Vịt là một trong năm ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp (bên cạnh lúa, xoài, cá tra và hoa kiểng) được lựa chọn để thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 591/QĐ-UBND.HC ngày 30 tháng 6 năm 2014 của UBND tỉnh Đồng Tháp.
Mặc dù được đánh giá là có nhiều lợi thế, vì Đồng Tháp sở hữu tổng đàn vịt lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và diện tích sản xuất lúa lớn thứ 3 cả nước, nhưng khi bắt tay vào thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp cho ngành hàng vịt, địa phương đã gặp không ít những khó khăn, vướng mắc vì đây chưa phải là điều kiện cần và đủ để chuỗi ngành hàng vịt phát triển bền vững. Đặc biệt, khái niệm “nuôi vịt rọ” lúc bấy giờ vẫn còn xa lạ với nhiều người chăn nuôi, bởi “nuôi vịt chạy đồng” không phải tốn kém thức ăn mà đôi khi còn bị thua lỗ huống hồ nuôi vịt rọ phải tốn nhiều chi phí cho đầu tư chuồng trại, chi phí thức ăn, xử lý chất thải ....
Tuy nhiên, với tư duy tiến bộ và ham học hỏi, hơn 40 năm gắn bó với nghề nuôi vịt, từng chứng kiến nhiều bước thăng trầm của nghề nuôi vịt chạy đồng. Năm 2015, ông Lê Ngọc Mới đã chủ động thành lập Tổ hợp tác (THT) nuôi vịt Tháp Mười gồm 11 hộ ở các xã Mỹ Hòa, Mỹ Đông, Mỹ An, Tân Kiều, Phú Điền… Đây là THT chăn nuôi vịt an toàn sinh học đầu tiên được thành lập, nhằm tạo sự liên kết giữa những người nuôi, giữa người sản xuất với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đầu vào và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đầu ra theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
* Kết quả đạt được thời điểm hiện tại:
Với tư duy dám nghĩ dám làm, mạnh dạn chuyển đổi, từ mô hình chăn nuôi vịt bán công nghiệp, theo hướng an toàn sinh học. Hiện tại, ông Lê Ngọc Mới đã quyết định đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây dựng chuồng trại theo mô hình chăn nuôi công nghiệp khép kín có hệ thống máng nước tự động cho vịt uống, 2 khu vực trải đệm sinh học nuôi 10.000 con vịt theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, ông còn đào 3 ao lắng lọc nước thải. Chính việc nuôi khép kín này đã giúp tỷ lệ vịt đẻ đạt từ 85 - 90%, bảo vệ môi trường, giảm mùi hôi ảnh hưởng đến các hộ lân cận và trứng vịt luôn đạt chất lượng. Vịt nuôi theo mô hình này được tiêm phòng định kỳ, dịch bệnh được khống chế, tất cả thức ăn và nước uống đều được kiểm soát chặt chẽ và được cập nhật đều đặn trong nhật ký sản xuất hằng ngày. Cuối năm 2017, trang trại nuôi vịt sinh học của ông Lê Ngọc Mới được Sở Công thương TP Hồ Chí Minh gắn mã vạch truy xuất nguồn gốc trứng vịt, trở thành trang trại trứng vịt đầu tiên ở ĐBSCL đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

* Hiệu quả mô hình:
Hiện nay, toàn tỉnh có 06 THT chăn nuôi vịt hướng trứng an toàn sinh học với tổng đàn vịt là: 227.690 con, trong đó: đàn vịt đang đẻ trứng là 136.600 con với sản lượng trứng bình quân/đêm là 94.390 trứng. Giá bán bình quân của vịt nuôi rọ cuối năm 2017 và đầu năm 2018 là 2.160đ/trứng, lợi nhuận bình quân khoảng 300đ/trứng. Hầu hết các THT đều có gắn kết với các doanh nghiệp thu mua trứng vịt và các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi nên người chăn nuôi an tâm sản xuất, chi phí đẩu vào thấp (mua thức ăn chăn nuôi từ các công ty), chất lượng trứng đảm bảo nên giá bán sản phẩm cũng cao hơn từ 150 đến 250đ/trứng so với giá trứng của các nông hộ nuôi vịt chạy đồng hoặc không có liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Có thể thấy, bằng sự quyết tâm và cách làm mới, Tổ hợp tác nuôi vịt huyện Tháp Mười nói chung và hộ ông Lê Ngọc Mới nói riêng đã và đang có những bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển nhãn hiệu trứng vịt của địa phương. Qua đó xây dựng được chuỗi giá trị bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ. Đây được xem là tín hiệu tích cực trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành hàng vịt của tỉnh Đồng Tháp