Mô hình tích tụ ruộng đất phát triển sản xuât nông nghiệp xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Địa điểm mô hình: Thôn Mễ Sơn 2, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Anh Lê Tiến Mạnh, một nông dân trẻ (sinh năm 1987) tại xã Tân Phong, huyện Vũ Thư đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất tại vùng đất bãi của thôn Mễ Sơn 2 để sản xuất nông nghiệp từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ một vùng đất bãi hoang vu, đa phần bỏ hoang chỉ có một số ít hộ nông dân gieo trồng một vài loại cây màu truyền thống như ngô, đậu đỗ, … anh Lê Tiến Mạnh nảy đã thuê lại cả vùng đất này để sản xuất với diện tích 31 mẫu ruộng (tương đương 11,16 ha) của hơn 600 hộ dân trong thời gian 20 năm với giá 1 tạ/thóc/sào/năm; hình thức thanh toán 05 năm đầu tiên trả 1 năm 1 lần vào đầu năm, năm thứ 6 trở đi trả 5 năm/1 lần.

mh_thaibinh_tichturuongdat1.jpg

Máy thu hoạch khoai tây do 2 anh nông dân Lê Tiến Mạnh, Trần Văn Biên sáng chế đang vận hành thu hoạch khoai tây trên đồng.

Trước diện tích sản xuất lớn và tập trung anh Mạnh đã đầu tư máy móc để giảm công lao động thủ công như máy làm đất, máy lên luống, gần đây nhất kết hợp với một một nông dân nữa sáng chế ra máy thu hoạch khoai tây. Trước những đầu tư mạnh dạn như vậy, anh Mạnh đã thu được những thành quả ngay vụ đầu tiên, gần 3ha dưa lê sau 2 tháng gieo trồng cho lãi hàng trăm triệu đồng. Hiện tại, anh đang chuyển hướng trồng 3,6 ha dưa Hoàng Hậu. Chi phí đầu tư 70 triệu/ha, giá dưa cao (trung bình khoảng 15.000 đồng/kg), năng suất đạt 25 tấn/ha. Nếu thuận lợi, có thể thu lãi 1 tỷ đồng.

Trên diện tích hơn 31 mẫu anh bố trí trồng 3 vụ màu trong 1 năm: vụ Xuân Hè trồng bí xanh, vụ Hè Thu trồng dưa các loại , Vụ Đông trồng khoai tây. Doanh thu bình quân đạt 450 triệu đồng/ha/năm sau khi trừ chi phí lãi trung bình khoảng 55 triệu đồng/ha/năm. Khai thác hiệu quả vùng đất bãi bị bỏ hoang lâu nay, anh Mạnh không chỉ có được nguồn thu lớn cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Anh Mạnh dần liên kết với nhiều doanh nghiệp để khép kín chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư đầu vào, sản xuất, chế biến và bao tiêu các loại nông sản như Bí xanh, dưa, khoai tây, … mang lại hiệu quả bền vững.

mh_thaibinh_tichturuongdat2.jpg

Diện tích trồng bí liên kết sản xuất có bao tiêu sản phẩm của anh Lê Tiến Mạnh

Chấp nhận khó, không sợ khổ, Anh Lê Tiến Mạnh đã biến vùng đất bãi hoang quê mình thành vùng đất sản xuất có hiệu quả. Tình yêu, sự gắn bó với ruộng đồng của người thanh niên 30 tuổi góp phần mở ra lối tư duy mới cho thanh niên trẻ về sản xuất nông nghiệp hiện nay và việc tích tụ ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, liên kết chuỗi sản xuât góp phần vào thắng lợi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

11/17/2018 9:08:00 AM
Nguồn Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Bình
<< Xem các mô hình khác