Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà bạt của công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh, tỉnh Ninh Bình

Địa điểm mô hình: Thị trấn Bình Minh


Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà bạt được hỗ trợ xây dựng tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh từ cuối năm 2016; quy mô của công ty 7,4 ha với tổng số 20 ao nuôi, trong đó xây dựng 11 ao có mái che hình chóp nón để nuôi 3 vụ/ năm, hệ thống quản lý tự động, điều khiển từ xa, tổng giá trị xây dựng lên tới hơn 20 tỷ đồng.

Các ao nuôi được bao bọc bởi hệ thống nhà kín kiên cố, giữa ao có một trụ chính, xung quanh ao cắm trụ bê tông hoặc sắt cao khảng 20 cm so với mặt đất cách nhau khoảng 30 cm. Dây cáp sắt đường kính # 3mm, được căng xung quanh ao đảm bảo độ dốc 5%, trên được phủ bạt kín. Việc xây dựng theo hình chóp nón có ưu điểm tránh được gió bão tốt do hướng đón gió ít, thoát gió. Đây được xem là một dạng của hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ bên trong và ngoài chênh lệch 7 – 8 độ C, nhiệt dưới nước vào khoảng 27 – 32 độ C đảm bảo sự thích nghi của tôm, người nuôi chủ động thời vụ, chủ động đưa sản phẩm ra thị trường.
 

mh_NinhBinh_Nuoi tom CNC 1.JPG

       Ngoài ra mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất như hệ thống quản lý tự động, hệ thống lọc nước tuần hoàn, công nghệ Biofloc. Các thông số môi trường nước ao nuôi như nhiệt độ, pH, độ mặn, khâu cho ăn, sức khỏe tôm… được kiểm soát tự động. Trong suốt quá trình nuôi, nguồn nước trong ao được lọc rửa thường xuyên, diệt khuẩn hàng ngày bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn. Công nghệ Biofloc được áp dụng có 3 tác dụng: xử lý chất thải, tạo nguồn thức ăn tự nhiên trong ao, hỗ trợ phòng bệnh. Việc sử dụng hai công nghệ lọc nước tuần hoàn và Biofloc giúp môi trường ao nuôi luôn luôn được giữ ổn định, việc không thay nước thường xuyên sẽ giảm thiểu tối đa tác động của các yếu tố bên ngoài, công nghệ Biofloc tạo nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào cho tôm từ đó tôm phát triển tốt, ít bị bệnh hại, người nuôi tôm không cần sử dụng hóa chất và kháng sinh để phòng ngừa dịch bệnh. Với mô hình này, hiện tại chưa phát hiện dịch bệnh ở tôm trong hệ thống nhà nuôi. So với các ao nuôi đối chứng bên ngoài, với cùng một đàn tôm giống và cùng một quy trình xử lý như nhau thì tôm nuôi trong nhà bạt hệ số sử dụng thức ăn tốt hơn, năng suất cao hơn, thời gian nuôi ngắn hơn.

mh_NinhBinh_Nuoi tom CNC 2.JPG


Kết quả sau hơn 3 tháng nuôi, với mật độ thả nuôi ban đầu 165 con/m2, tôm đạt kích cỡ từ 13 - 14 g/con, năng suất đạt 16 tấn/ha. Sau khi hoạch toán, với chi phí sản xuất hơn 1,4 tỷ đồng/ha, đem lại lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/ha. Đây là mức lợi nhuận cao so với những mô hình đã và đang áp dụng trên địa bàn. Đặc biệt, do sản xuất trái vụ, cộng thêm việc tôm được nuôi theo quy trình an toàn sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học, hoàn toàn không có kháng sinh và hóa chất nên sản phẩm làm ra tiêu thụ dễ dàng và giá bán cao hơn so với tôm nuôi thông thường.

 

mh_NinhBinh_Nuoi tom CNC 4.JPG

 

      Hiện nay, với việc dịch bệnh phát sinh trên tôm nuôi ngày càng nhiều và khó kiểm soát, môi trường suy giảm thì với mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kín sẽ giúp người nuôi kiểm soát được môi trường cũng như dịch bệnh có thể phát sinh trên tôm do được cách ly hoàn toàn với các tác động xấu từ bên ngoài. Mặt khác, với mô hình nuôi tôm trong nhà bạt có thể sản xuất quanh năm, không cần tuân thủ theo lịch mùa vụ, như khí hậu ở miền Bắc 1 năm có thể nuôi 3 vụ thay vì 1 vụ như trước đây. Đây là mô hình mới được áp dụng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong một vài năm trở lại đây, tuy nhiên có thể nói đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển đổi diện tích nuôi tôm, hiện nay mô hình này đang được các hộ dân, các doanh nghiệp nhân ra diện rộng. Với diện tích nuôi mặn lợ toàn tỉnh trên 3.300 ha việc ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm theo mô hình này hứa hẹn đưa tôm Ninh Bình trở thành con nuôi chủ lực trong thời gian tới, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy tăng trưởng ngành và cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.

10/7/2018 10:06:00 PM
Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình
<< Xem các mô hình khác