Nhiều doanh nghiệp đang quan tâm đến đầu tư phát triển nông nghiệp tại An Giang, một trong những tỉnh nằm ở vùng nông nghiệp trù phú Đồng bằng sông Cửu Long. Trong số đó, có những doanh nghiệp đang cùng địa phương đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn ứng dụng công nghệ cao đối với cây lúa, rau sạch, nấm…, tạo dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ gắn với nhu cầu thị trường.
“Đây là một trong những hướng đi của tỉnh nhằm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp”, bà Phan Thị Yến Nhi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết.
Trong quá trình tái cơ cấu ngành, An Giang xác định, tái cơ cấu trồng trọt sẽ được thực hiện trên các sản phẩm chiến lược của tỉnh theo chuỗi giá trị kết hợp đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, tăng thu nhập cho người sản xuất với các ngành hàng chính gồm lúa, rau màu (chủ yếu là ngô lai, ngô non, vừng, lạc…), cây ăn quả (xoài, chuối, thanh long…), chăn nuôi (bò thịt, lợn, vịt…), thủy sản (chủ yếu là cá tra, tôm càng xanh), lâm nghiệp.
Với mỗi ngành hàng, An Giang đã xác định những phương thức phát triển phù hợp trong lộ trình tái cơ cấu. Chẳng hạn, với trồng trọt, sẽ ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá quy mô lớn, phát triển mô hình cánh đồng lớn, xây dựng các vùng chuyên canh, tập trung theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nâng cao năng suất, sản lượng gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng và giá trị cây trồng.
Với chăn nuôi, An Giang cũng khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Theo đó, khuyến khích các mô hình sản xuất sạch, áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi từ khâu con giống, thức ăn đến giết mổ, chế biến. Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ nâng cấp cơ sở giết mổ hiện có, cấp chứng nhận cho thương lái và các lò giết mổ áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại tiếp tục được khuyến khích phát triển…
Trao đổi về các giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành, bà Yến Nhi chia sẻ, tỉnh An Giang đang tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch và hiệu lực quản lý nhà nước đối với việc thực hiện các quy hoạch, tổ chức lại sản xuất gắn với khuyến khích, thu hút đầu tư, rà soát, bổ sung, kiến nghị với các cơ quan chức năng về các cơ chế, chính sách liên quan đến khuyến khích phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa Nhà nước, tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghịêp hữu cơ…
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành và phát triển liên kết giữa doanh nghịêp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nông dân và các thành phần kinh tế khác theo các mô hình sản xuất lớn, tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị…
Đặc biệt, An Giang cũng kiến nghị xem xét những chính sách tiền đề để hỗ trợ các bên tham gia xây dựng và phát triển mô hình cánh đồng lớn trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Theo kiến nghị này, chính sách cần bao trùm các đối tượng tham gia như các doanh nghịêp, người nông dân, hợp tác xã…
Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp khi tham gia mô hình cánh đồng lớn, cần xem xét ưu tiên chuyển mục đích sử dụng đất và miễn 100% tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng từ đất lúa sang đất phi nông nghiệp dài hạn phục vụ xây dựng cụm dịch vụ lúa - gạo đồng bộ; được vay vốn tín dụng dài hạn và ngắn hạn với lãi suất ưu đãi; được hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ về kỹ thuật, lãi vay đầu tư công nghệ để chế biến phục phẩm hoặc sản phẩm giá trị gia tăng… Đối với nông dân, trong tình huống buộc tạm trữ, có chính sách hỗ trợ 100% chi phí lưu kho tại doanh nghiệp cho nông dân trong thời gian ít nhất là 3 tháng để nâng thêm tính cạnh tranh.
Bên cạnh đó là các hỗ trợ về 100% đào tạo, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân hoàn thiện hệ thống giao thông thuỷ lợi nội đồng và hệ thống điện ba pha và bình ba pha… Chính sách đối với các hợp tác xã tham gia “cánh đồng mẫu lớn” được đề nghị hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất 0% khi đầu tư cụm dịch vụ đồng bộ phục vụ cánh đồng mẫu lớn, 100% kinh phí tập huấn cán bộ xã...
Bà Nhi cùng các đồng nghiệp cũng chia sẻ kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn.
Với những triển khai tích cực và lợi thế trong sản xuất - thị trường, nông nghiệp An Giang chắc chắn sẽ tạo được lực hút với các doanh nghịêp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện chương trình tái cơ cấu của ngành.