Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo Dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi sẽ được thực hiện toàn diện ở cả vật nuôi, vùng nuôi, phương thức chăn nuôi và hệ thống giết mổ, chế biến.
Với hướng phát triển này, việc tái cơ cấu vật nuôi sẽ dựa vào nhu cầu thị trường và lợi thế của ngành cũng như gắn kết với tiềm năng của ngành trồng trọt nhằm khai thác các sản phẩm của ngành này để phục vụ chăn nuôi.
Theo đó, bò thịt và lợn sẽ ổn định về số lượng so với hiện tại và tập trung tăng năng suất, sản lượng và chất lượng thịt. Trong khi đó, gia cầm và bò sữa sẽ được phát triển cả về số lượng, sản lượng và chất lượng. Vùng nuôi cũng được quy hoạch theo vùng sinh thái và gắn kết thị trường; chẳng hạn, ở vùng Đồng bằng sông Hồng, ưu tiên phát triển chăn nuôi gà, vịt, lợn, bò thịt, bò sữa; vùng Đông Nam Bộ ưu tiên phát triển chăn nuôi lợn, gà, bò sữa…
Liên quan đến phương thức chăn nuôi, ông Dương cho biết, sẽ duy trì và nâng cao hiệu quả của phương thức chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại. Tuy nhiên, quy mô nông hộ sẽ chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, còn quy mô chăn nuôi trang trại sẽ được đầu tư đáp ứng nhu cầu của khu vực đô thị, khu công nghiệp và tham gia xuất khẩu. Gắn với các phương thức này là việc tái cơ cấu hệ thống giết mổ và chế biến, với phương thức giết mổ tập trung công nghiệp, áp dụng công nghệ hiện đại; giết mổ bán tập trung, bán công nghiệp và giết mổ thủ công.
Để đạt tổng sản lượng thịt xẻ ở mức hơn 3 triệu tấn vào năm 2020, đem lại thu nhập bền vững cho người chăn nuôi và ngành chăn nuôi, ông Dương cho rằng, cần có sự đầu tư tập trung và huy động các nguồn lực thực hiện các giải pháp đồng bộ từ quy hoạch đến công tác giống, với phương châm chấn chỉnh căn bản về giống, đặc biệt là giống phục vụ chăn nuôi theo phương thức nông hộ, lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến, thú y và phát triển nguồn nhân lực cho ngành chăn nuôi.
“Đây chính là những dư địa lớn cho nhà đầu tư”, ông Dương nhấn mạnh và cho biết thêm, các chính sách đang được hoàn thiện, trong đó có chính sách tín dụng với hướng xây dựng chính sách ưu đãi cho người chăn nuôi được khoanh nợ, giãn nợ, được vay mới với lãi suất ưu đãi hoặc Nhà nước dành một khoản ngân sách để hỗ trợ 50 - 100% lãi suất tín dụng trong thời gian tối thiểu 2 năm để người chăn nuôi có thể đầu tư khôi phục sản xuất sau thời gian dài khó khăn vừa qua.
Đặc biệt, chính sách thu hút vốn đầu tư từ các DN trong và ngoài nước cũng đang được các chuyên gia trong ngành rà soát, hoàn thiện, bổ sung, trong đó có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào chăn nuôi, giết mổ ở những nơi có mật độ dân số thấp, đi kèm với chính sách hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng hạ tầng, mua con giống ban đầu và cước phí vận chuyển sản phẩm; hay khuyến khích DN tăng cường hoạt động gia công, liên kết với người chăn nuôi thông qua hỗ trợ đào tạo, tập huấn; quảng cáo; nghiên cứu giảm thuế thu nhập DN dựa trên số lượng sản phẩm được tiêu thụ từ liên kết sản xuất.
Có ý kiến còn đề xuất chính sách hỗ trợ các DN được hưởng lãi suất thấp cho vốn vay thương mại để đầu tư chăn nuôi ở nước ngoài, nhằm tận dụng diện tích đất nông nghiệp có giá ưu đãi ở một số nước để sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tại nước sở tại.
Các giải pháp gắn với việc hoàn thiện hệ thống tổ chức, quản lý ngành chăn nuôi - thú y từ Trung ương đến địa phương cũng được đề cập như một trong những giải pháp không thể thiếu nhằm đem lại hiệu quả cho việc tái cơ cấu ngành. Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng, để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, công tác kiểm dịch, vệ sinh thú y cần được tăng cường hơn nữa, song song với việc đẩy mạnh công tác kiểm soát thị trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.