Thông tin chi tiết


Quay lại

Tiêu đề Đắc Lắc: Đầu tư chiều sâu trong tái cơ cấu nông nghiệp
Tóm tắt

Triển khai Đề án Tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đắc Lắc đã định ra hướng đi khá cụ thể trong lộ trình. Là một tỉnh có diện tích đất nông lâm nghiệp chiếm tới 86% tổng diện tích 1.320.000 ha của toàn tỉnh, với lực lượng lao động nông nghiệp chiếm khoảng 70% tổng số lao động của tỉnh, Đắc Lắc xác định cần chú trọng đảm bảo thực hiện tiến độ Đề án, nhất là khi mà tỷ trọng ngành Nông nghiệp chiếm gần 50% giá trị tổng sản phẩm hàng năm của tỉnh.
Theo hướng đi đó, Đắc Lắc sẽ chú trọng phát triển các cây có thế mạnh, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, song tỉnh xác định không phát triển đơn thuần theo chiều rộng mà tập trung chủ yếu đầu tư chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, nhất là với các cây trồng dài ngày; chẳng hạn, cà phê sẽ giảm diện tích từ hơn 200.000 ha hiện nay xuống còn hơn 160.000 ha vào năm 2020; một số cây trồng chủ lực dài ngày khác sẽ ở mức khoảng 50.000 ha với cao su, hơn 20.000 ha với Điều, khoảng 11.000 ha với tiêu, 8.000 ha với ca cao và hơn 20.000 ha trồng cây ăn quả.
Đối với chăn nuôi, sẽ phát triển mạnh cả về đầu con và năng suất thịt thông qua hướng phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại theo phương thức chăn thả dưới tán rừng, công nghiệp, bán công nghiệp với mục tiêu có đàn gia súc với khoảng 380.000 con bò, trên 1 triệu con lợn….; đồng thời, tổ chức lại hệ thống giết mổ gia súc gia cầm gắn với chế biến, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, tạo ra giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Những năm tới, tỉnh cũng sẽ tăng cường đầu tư cho việc khai thác thế mạnh của các mặt nước hồ chứa, sông suối để phát triển các giống thủy sản được thị trường ưa chuộng với tống sản lượng dự kiến trên 21.000 tấn vào năm 2020, trong đó tỷ lệ nuôi trồng chiếm khoảng 20.000 tấn. Còn lại là khai thác. Giá trị sản phẩm thủy sản sẽ được gia tăng nhờ đầu tư từ khâu nuôi trồng, khai thác đến cơ sở chế biến, bảo quản.
Trao đổi về việc tái cơ cấu lâm nghiệp, một thế mạnh nhưng cũng không ít khó khăn thách thức của tỉnh với diện tích rừng tự nhiên có tới trên 500.000 ha và quỹ đất còn dành cho trồng mới chừng 5.000 – 7.000 ha rừng mỗi năm đến năm 2020, ông Nguyễn Hoài Dương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc, cho biết, những năm tới, Đắc Lắc đặt nhiệm vụ hàng đầu vào công tác quản lý bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng tự nhiên hiện có. Theo phương châm này, Đắc Lắc sẽ chú trọng công tác quản lý bảo vệ và bảo tồn đối với rừng đặc dụng, bảo vệ đi đôi với điều chỉnh cơ cấu giống loài cây theo hướng đa tác dụng, đa mục tiêu đối với rừng phòng hộ và gắn việc quản lý bảo vệ, nuôi dưỡng phát triển với giải pháp cải tạo rừng, chuyển đổi một bộ phận rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng bằng các loại cây đa tác dụng, có giá trị về nhiều mặt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển KT-XH ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để thực hiện hướng đi này, Đắc Lắc đang thực hiện các biện pháp đồng bộ trong đó có việc khuyến khích và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nâng cao hiệu quả đầu tư công. “ Chúng tôi sẽ xác định rõ các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, các dự án cụ thể kêu gọi nhà đầu tư, trong đó chủ yếu là các dự án đầu vào, đầu ra phục vụ sản xuất, chế biến các sản phẩm nông lâm nghiệp thế mạnh của tỉnh như cà phê, cao su, sắn, mía, ngô, cây ăn quả, lâm sản… khuyến khích mở rộng các hình thức đầu tư kết hợp công – tư , liên minh trong sản xuất và cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác…”, ông Dương chia sẻ thêm.
Đặc biệt, ông Dương cùng các đồng nghịêp cũng cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng cần được chú trọng triển khai khi thực hiện đề án là cần làm tốt công tác rà soát quy hoạch và xây dựng bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện đồng bộ các quy hoạch, phù hợp định hướng tái cơ cấu và có các chính sách, chế tài thực hiện cùng với việc ban hành quy hoạch. Đối với hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của các nông lâm trường, ông Dương cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc định giá và xác định quyền sở hữu rừng tự nhiên như thế nào để đưa tài sản vào cổ phần hóa khi thực hiện cổ phần hóa các công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp, trong đó Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Ông Dương chia sẻ “vùng Tây Nguyên hiện nay có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất các vùng trong cả nước, các công ty lâm nghiệp (trước đây là lâm trường) quản lý chủ yếu là rừng tự nhiên, các công ty này hiện đang rất khó khăn, lúng túng về tổ chức và hoạt động”. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã có hướng giải quyết khó khăn này, song cần thực hiện sớm và có các bước đi cụ thể, phù hợp. Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách cho quản lý bảo vệ và phát triển có hiệu quả rừng tự nhiên, nhất là những quy định về trách nhiệm, quyền lợi của chủ rừng, trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức được gián tiếp hưởng lợi từ rừng trong việc đầu tư lại cho rừng, chính sách giao đất, giao rừng, cho thuê rừng…cũng như tính đến đặc thù vùng, miền trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan.
 

File kèm