Việt Nam là một trong những nước có sản lượng chè lớn trên thế giới và đứng ở vị trí thứ 5 về xuất khẩu chè, sau Kenya, Trung Quốc, Sri Lanka và Ấn Độ. Chè Việt Nam hiện có mặt tại hơn 60 thị trường, trong đó có 10 thị trường nhập khẩu lớn là Đài Loan, Pakistan, Trung Quốc, Indonesia, Nga, Afghanistan, Hoa Kỳ, Iran, Ba Lan và Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất.
Tuy nhiên, để khẳng định vị thế của ngành chè Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hải, Tổng giám đốc Công ty Finlay Việt Nam, một trong những khách hàng của ngành chè cho rằng, cần đầu tư hơn nữa để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và tăng tính bền vững cho ngành này. Theo đó, cần đầu tư nhằm khắc phục những tồn tại liên quan đến chất lượng chè chưa cao, các chứng chỉ quốc tế về chất lượng nhà máy, nông trường, như RA, GMP, GAP, UTZ còn ít so với các nước trên thế giới.
Theo bà Hải, thời gian tới, ngành chè cần nâng cao chất lượng chè bằng cách kiểm soát tốt hơn chất lượng nguyên liệu chè búp tươi; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, chú trọng đầu tư cho tìm hiểu thị trường để đáp ứng đúng nhu cầu về sản phẩm của khách hàng.
Chia sẻ ý kiến của bà Hải, ông Syed Nishat Hussain, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chè Phú Bền cho rằng, để mở rộng thị trường xuất khẩu chè sang thị trường khác, trong đó có EU, Việt Nam cần quản lý chặt chẽ các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến cần phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tập huấn cho người trồng chè về thuốc bảo vệ thực vật và cách dùng.
Ông Huỳnh Văn Duẩn, Giám đốc Công ty Chế biến Trà Trân Nam Việt (tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ thêm, để phát triển ngành chè bền vững và thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, cần rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu sạch gắn với quy hoạch cơ sở chế biến và có cơ chế thu hút đầu tư với những ngành tạo ra việc làm cho nhiều lao động, trong đó có ngành chè.
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế Chè Việt Nam 2013 tổ chức tại Hà Nội mới đây, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, để có thể đạt được sự phát triển bền vững trong ngành chè, cần những giải pháp tổng thể để quản lý thống nhất ngành chè. Bên cạnh đó, tiến hành quy hoạch vùng trồng chè để nâng cao năng suất, chất lượng và tính an toàn của nguyên liệu chè búp tươi; quy hoạch và sắp xếp lại hơn 450 cơ sở chế biến chè theo hướng giữ lại những cơ sở có đủ tiêu chuẩn gắn với sự phát triển bền vững, những cơ sở thực hiện tái đầu tư cho vườn chè… Đặc biệt, chú trọng hơn việc phát triển sản phẩm chè phục vụ thị trường trong nước và đầu tư cho xây dựng và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần tổ chức lại sản xuất và quản lý theo chuỗi giá trị gia tăng, trong đó có sự gắn kết giữa người trồng và người chế biến, kinh doanh chè và sản phẩm chè để tạo sự đồng thuận nâng cao tính cạnh tranh trên trường quốc tế; bên cạnh đó, xem xét việc tổ chức thị trường với nhiều giải pháp, trong đó có việc tổ chức sàn đấu giá chè…
Nhiều đại biểu bày tỏ, cần có sự chuyển đổi lớn để đạt được sự bền vững, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành chè, trong đó có việc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách liên quan đến phát triển chè, như chính sách thuế, xem xét xây dựng chế độ vận động nguồn hỗ trợ phát triển cho trồng chè và tăng thêm nguồn đầu tư cho những địa phương chuyên trồng chè. Chính sách ưu đãi với người trồng chè cho năng suất, chất lượng cao, bền vững để người trồng chè sống được với cây chè, chú trọng việc bảo tồn và phát triển các loại chè đặc sản cũng được nhiều đại biểu kiến nghị. Mặt khác, cũng cần có sự kiên quyết hơn trong quản lý chất lượng nguyên liệu và sản phẩm.
Như vậy, với quá trình tái cơ cấu ngành chè, việc đầu tư cho khảo sát, phân tích thị trường, phát triển thị trường, đầu tư vùng nguyên liệu từ công đoạn trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, vận chuyển nguyên liệu đến chế biến, đóng gói theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững đang mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.