Thông tin chi tiết


Quay lại

Tiêu đề Nghệ An: Tái cơ cấu hình thức tổ chức sản xuất trong sản xuất nông nghiệp
Tóm tắt

Tái cơ cấu hình thức tổ chức sản xuất là một trong những giải pháp được ngành nông nghiệp Nghệ An đặc biệt coi trọng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Lập, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, Nghệ An đang xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó quan tâm nhất là việc đẩy mạnh hình thức liên kết trong tổ chức sản xuất đối với các cây trồng, vật nuôi có lợi thế của tỉnh như: chè, mía, lúa hàng hoá, dược liệu, bò sữa, tôm thẻ,… - những mặt hàng có thị trường tiêu thụ.
Hình thức liên kết trong tổ chức sản xuất lấy doanh nghiệp làm trung tâm của sự liên kết đang được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm. Đó là sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân (thông qua tổ hợp tác hoặc hợp tác xã), có sự tham gia của các nhà khoa học, dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước - tạo thành mối liên kết dọc theo chuỗi giá trị trong sản xuất sản phẩm nhằm tăng sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất, qua đó góp phần tăng thu nhập cho nông dân, người lao động và lợi nhuận bền vững cho doanh nghiệp.
Song song với hình thức này là hình thức liên kết theo chiều ngang – liên kết các hộ nông dân với nhau thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã. Đây cũng là hướng được Nghệ An chú trọng phát triển nhằm phát huy tối đa lợi thế trong liên kết với việc ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, cơ giới hóa, bảo quản, chế biến sau thu hoạch và đặc biệt là thực hiện tốt khâu tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Mối liên kết ngang còn được xây dựng giữa các doanh nghiệp, giữa các hợp tác xã, giữa các tổ hợp tác với nhau và trong vùng nhằm tăng sức cạnh tranh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Lập, thực tế cho thấy, để các hình thức tổ chức sản xuất này phát huy hiệu quả cần có khung pháp lý về mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nhằm hình thành và phát triển các hình thức liên kết trong nông nghiệp từ sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, trong đó cần có chế tài trong sự liên kết 4 nhà (nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và nhà nước). Từ đó, sớm có các cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất.
“Chế tài trong liên kết là vô cùng quan trọng”, ông Lập nói và cho biết thêm, hiện nay, ở Nghệ An đã có liên kết trong sản xuất thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn. Bước đầu mô hình này đã thu được những kết quả khả quan. Năng suất tăng, chất lượng hiệu quả cũng được cải thiện rõ rệt, thu nhập và tính chủ động trong sản xuất của doanh nghiệp và nông dân tăng lên. Tuy nhiên, hình thức liên kết này hiện vẫn bộc lộ những hạn chế. Đó là, các chế tài ràng buộc sự liên kết còn lỏng lẻo, quy mô liên kết còn hẹp, mới dừng ở mức độ mô hình, một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với nông dân sẽ khiến cho mối liên kết thiếu tính bền vững. Bởi vậy, “rất cần có khung pháp lý cho sự liên kết và các cơ chế, chính sách hỗ trợ sự liên kết này”, ông Lập cùng các đồng nghiệp khẳng định.
Cùng với các giải pháp đồng bộ khác, việc hình thành, phát triển và duy trì bền vững các hình thức liên kết nói trên được phát triển sẽ giúp Nghệ An thực hiện được định hướng tái cơ cấu với các nội dung tái cơ cấu trong các lĩnh vực trồng trọt theo hướng ổn định diện tích gieo trồng lúa, ngô, ổn định sản lượng lương thực, phát triển các vùng chuyên canh chè, mía, lạc, sắn, rau, củ, quả gắn với chế biến, tiêu thụ. Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi tập trung, chú trọng phát triển bò sữa, tăng tỷ trọng đàn gia cầm, khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, chế biến, tiêu thụ…, phát triển thủy sản, khuyến khích đầu tư nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng…
 

File kèm