Ngành lâm nghiệp đang huy động tổng vốn đầu tư dự kiến trên 12.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn tự có của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, nhằm thực hiện Quy hoạch Phát triển một số lâm sản ngoài gỗ chủ yếu khu vực miền núi phía Bắc đến năm 2020.
Theo Quyết định vừa được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phê duyệt trong tổng nhu cầu vốn nói trên, vốn đầu tư phát triển lâm sản ngoài gỗ thuộc rừng phòng hộ dự kiến ở mức trên 4.400 tỷ đồng. Còn lại là vốn phát triển lâm sản ngoài gỗ thuộc rừng sản xuất.
Tổng diện tích đất quy hoạch trồng cây lâm sản ngoài gỗ trong khu vực ở mức gần 377.000 ha, trong đó nhóm cây cho sản phẩm nhựa, tinh dầu (như hồi, thông nhựa, quế thanh, thông mã vĩ…) chiếm hơn 122.000 ha, nhóm cây cho sợi (trúc sào, luồng, mây nếp, song mật) gần 95.000 ha; nhóm cây cho sản phẩm dược liệu (thảo quả, ba kích, sa nhân) gần 90.000 ha; nhóm cây cho sản phẩm lương thực, thực phẩm (tre Bát độ, sơn tra, trám trắng, dẻ ăn hạt, giổi cho hạt…): gần 70.000 ha.
Hướng phát triển lâm sản ngoài gỗ theo vùng cụ thể trong khu vực cũng được đề cập chi tiết trong Quy hoạch. vùng Tây Bắc được xác định theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ ưu tiên chế biến lâm sản ngoài gỗ đặc thù quy mô nhỏ, phù hợp với đặc điểm của vùng. Còn ở tiểu vùng Đông Bắc, xây dựng cụm chế biến lâm sản ngoài gỗ, phát triển các làng nghề, đẩy mạnh xuất khẩu…
Bên cạnh đó, chi tiết cho từng nhóm cây trồng và địa bàn cũng được chỉ rõ. Chẳng hạn, ở huyện Phong Thổ (Lai Châu), sẽ tập trung cho nhóm cây cho sản phẩm dược liệu (với cây Thảo quả, Sa nhân), nhóm cây cho sợi (mây nếp) và nhóm cho sản phẩm lương thực thực phẩm (tre Bát độ).
Việc thực hiện quy hoạch nói trên góp phần bảo tồn và phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, nâng cao độ che phủ của rừng, bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh thái; xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu; tăng hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình nông thôn.
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ:
1. Dự án phát triển diện tích rừng trồng Trúc sào tỉnh Cao Bằng
2. Dự án phát triển diện tích rừng trồng Luồng tỉnh Hòa Bình
3. Dự án phát triển diện tích rừng trồng Luồng tỉnh Bắc Giang
4. Dự án phát triển diện tích rừng trồng Mây nếp tỉnh Phú Thọ
5. Dự án phát triển diện tích rừng trồng Mây nếp tỉnh Bắc Giang
6. Dự án phát triển diện tích rừng trồng Tre bát độ tỉnh Lai Châu
7. Dự án phát triển diện tích rừng trồng Sơn tra tỉnh Yên Bái
8.Dự án phát triển diện tích rừng trồng Sơn tra tỉnh Sơn La
9.Dự án phát triển diện tích rừng trồng Giổi cho hạt tỉnh Bắc Giang
10.Dự án phát triển diện tích rừng trồng Giổi cho hạt tỉnh Sơn La
11. Dự án phát triển diện tích rừng trồng Dẻ trùng khánh tỉnh Cao Bằng
12. Dự án phát triển diện tích rừng trồng Thảo quả tỉnh Lào Cai
13. Dự án phát triển diện tích rừng trồng Thảo quả tỉnh Lai Châu
14. Dự án phát triển diện tích rừng trồng Ba Kích tỉnh Quảng Ninh
15. Dự án phát triển diện tích rừng trồng Hồi tỉnh Lạng Sơn
16. Dự án phát triển diện tích rừng trồng Sở tỉnh Hà Giang
17. Dự án phát triển diện tích rừng trồng Sở tỉnh Tuyên Quang
18. Dự án phát triển diện tích rừng trồng Thông nhựa tỉnh Cao Bằng
19. Dự án phát triển diện tích rừng trồng Cọ khiết (Cánh kiến) tỉnh Điện Biên
20. Dự án nhóm cây cảnh