Thông tin chi tiết


Quay lại

Tiêu đề Tái cơ cấu Nông nghiệp Lào Cai: Khai thác lợi thế về đất đai, khí hậu
Tóm tắt

Theo nhận định của lãnh đạo ngành nông nghiệp, nông thôn Lào Cai, là tỉnh vùng cao, đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc, có cửa khẩu quốc tế thông thương với khu vực rộng lớn phía Tây Nam Trung Quốc, nên Lào Cai có những điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Một số loại sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu như rau, hoa, chè, gạo chất lượng cao, đàn trâu Bảo Yên, đàn lợn đen, gà đen vùng cao, thủy sản nước lạnh.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế như cơ cấu kinh tế nội thành chuyển dịch chậm. Tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh có trên 638.000 ha đất tự nhiên, trong đó có gần 419.000 ha đất giành cho nông, lâm nghiệp, chưa được khai thác mạnh mẽ.
Để khắc phục dần những hạn chế này, Lào Cai đang từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững dựa trên nhu cầu thị trường và thế mạnh về đất đai, khí hậu…
Theo đó, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư phát triển vùng sản xuất lúa, gạo đặc sản chất lượng cao như Seng Cù, Khẩu Nậm Xịt, Thẩm Dương, vùng rau sạch, rau an toàn, mở rộng diện tích trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp đa dạng hoá sản phẩm chè chế biến, phát triển sản xuất hoa với mục tiêu xây dựng Sa Pa thành vùng chuyên sản xuất hoa lớn của các tỉnh phía Bắc; đồng thời, phát triển mạnh cây ăn quả vùng nhiệt đới và ôn đới (lê, đào Pháp, mận Tam hoa…) theo hình thức trang trại gắn với du lịch sinh thái, phát triển diện tích rừng sản xuất phục vụ nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gỗ song song với việc bảo vệ và phát triển các khu rừng phòng hộ, đặc dụng, vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Đặc biệt, với lợi thế đất đai, khí hậu, Lào Cai khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất các loại giống như lúa lai, khoai tây, cây ăn quả ôn đới, để phục vụ nhu cầu nội tỉnh và thị trường bên ngoài. Bên cạnh đó, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư áp dụng công nghệ cao xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; các vùng chăn nuôi quy mô lớn theo hướng trang trại đối với các loài vật nuôi có giá trị như trâu đen, lợn đen, gà đen, bò vàng vùng cao, vịt Sín Chéng, các loài thuỷ sản nước lạnh.
Để thực hiện hướng đi này, Lào Cai đang áp dụng các giải pháp đồng bộ liên quan đến công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, tăng cường năng lực cho sản xuất, củng cố và phát triển hệ thống dịch vụ bao gồm dịch vụ về khoa học kỹ thuật và các loại dịch vụ cần thiết cho sản xuất như cung ứng vật tư, phòng trừ dịch hại, chế biến, tăng cường sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân, đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã - hình thành đầu mối cho sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, Lào Cai đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các chính sách liên quan đến thâm canh tăng năng suất cây lương thực, tăng vụ cho vùng cao, phát triển các sản phẩm chủ lực, phát triển chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường…
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để các tỉnh vùng cao, nơi hạ tầng còn nhiều khó khăn, trong đó có Lào Cai phát triển và thực hiện được chủ trương tái cơ cấu ngành, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách theo hướng tăng mức độ khuyến khích đầu tư, ưu đãi để khuyến khích về đất đai, thuế và xúc tiến thương mại cho các nhà đầu tư thực hiện dự án ở những địa bàn đặc biệt khó khăn…; kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
 

File kèm