Thủy sản, một trong những ngành đã hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế, là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do đó, việc tái cơ cấu ngành thủy sản càng được nhiều doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm.
Trong các nội dung tái cơ cấu ngành thủy sản, việc tái cơ cấu đầu tư, tài chính nhận được sự chú ý của cộng đồng trong ngành. Theo Dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản, cơ cấu nguồn vốn đầu tư sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tổng vốn đầu tư của ngành, thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng và các chính sách khuyến khích kinh tế đầu tư phát triển thủy sản; đồng thời, điều chỉnh phương thức và nguồn vốn đầu tư để thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư xã hội, phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi.
Các chuyên gia trong ngành cũng cho biết, cơ cấu vốn đầu tư theo các lĩnh vực sản xuất thủy sản cũng sẽ được đề xuất điều chỉnh. Chẳng hạn, đầu tư cho khai thác hải sản tăng từ 27,88% lên khoảng 32%, nuôi trồng thủy sản giữ mức 25,49%, cơ khí dịch vụ hậu cần tăng từ 16,18% lên 23%... Đối với đầu tư công, cũng được đề nghị điều chỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng đầu tư công cho lĩnh vực thủy sản trong tổng vốn đầu tư do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý với xu hướng tăng tỷ trọng đầu tư cho thủy sản giai đoạn 2011-2015 ở mức trên 7% lên 8,5% trong tổng vốn đầu tư toàn ngành giai đoạn 2016-2020.
Đặc biệt, nội dung ưu tiên đầu tư sẽ có hướng điều chỉnh là chú trọng đầu tư tăng cường năng lực quản lý nhà nước, như lực lượng kiểm ngư, dự báo ngư trường, điều tra nguồn lợi, hệ thống thông tin quản lý nghề cá…; đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất giống thuỷ sản chất lượng cao, sạch bệnh, đầu tư hạ tầng vùng nuôi tập trung cho các đối tượng chủ lực (tôm, cá tra, nhuyễn thể và rô phi…), hệ thống công trình thủy lợi đầu mối phục vụ nuôi trồng thủy sản, các trung tâm nghề cá lớn tại các vùng biển, hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu cá, chợ đầu mối phân phối hàng thủy sản tại khu vực và đầu tư cho các cơ sở đào tạo và các dự án tăng cường chất lượng nguồn nhân lực thủy sản.
Việc tái cơ cấu đầu tư tài chính nói trên được xây dựng trên cơ sở tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thủy sản, tái cơ cấu các sản phẩm thủy sản chủ lực và thị trường, cơ cấu sản xuất, kinh doanh thủy sản theo vùng lãnh thổ, tái cơ cấu lao động ngành thủy sản… Theo đó, sẽ giảm mạnh nghề rê, kéo…, tăng nghề câu, nghề vây, nhằm phát triển mạnh khai thác xa bờ, giảm tỷ trọng khai thác ven bờ, chuyển đổi cơ cấu thuyền/nghề khai thác hải sản, tập trung khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế, có khả năng xuất khẩu như tôm, mực, cá ngừ, cá thu…, áp dụng khoa học công nghệ để giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác. Bên cạnh đó, là việc tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản với các phương thức nuôi trồng phù hợp, cho hiệu quả cao, thích hợp với từng loại thủy sản; đồng thời, ứng dụng rộng rãi thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) và đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ nơi nuôi đến bàn ăn. Đi cùng với việc chuyển đổi trong khai thác, nuôi trồng, là việc tái cơ cấu trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm, lĩnh vực cơ khí và hậu cần thủy sản, nhằm đem lại giá trị gia tăng cao và bền vững.
Đáng chú ý là, việc tái cơ cấu các sản phẩm thủy sản chủ lực và cơ cấu các thị trường thủy sản. Theo đó, đến năm 2020, các đối tượng như tôm, cá tra và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn, nhuyễn thể chân đầu đông lạnh là nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực với mục tiêu đạt 11 tỷ USD trị giá kim ngạch xuất khẩu, trong đó cá đông lạnh chiếm khoảng 46%... Cùng với việc tiếp tục phát triển các thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng các thị trường tiềm năng khác, chú trọng các thị trường EU, thị trường Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc…, ngành thủy sản cũng sẽ đầu tư mạnh hơn cho khai thác thị trường nội địa với việc phát triển nhóm thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, đồ hộp, nước mắm và nhóm các sản phẩm văn hóa, trang sức, quà tặng du lịch, dược phẩm, thực phẩm chức năng… có nguồn gốc nguyên liệu từ hải sản như ngọc trai, hầu, vẹm, rong tảo…
Và như vậy, để thực hiện được hướng tái cơ cấu trong ngành, cần sự đồng bộ của các giải pháp liên quan đến công tác quy hoạch, tổ chức quản lý và tổ chức lại sản xuất, rà soát, bổ sung các chính sách phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản, trong đó có chính sách đồng bộ hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu khai thác hải sản gần bờ ra xa bờ, chính sách phát triển kinh tế thủy sản theo vùng lãnh thổ, chính sách tín dụng ưu đãi phát triển khai thác xa bờ, phát triển cơ khí dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển các vùng nuôi công nghiệp tập trung công nghệ cao, phát triển gắn nuôi, trồng trên biển, chế biến các sản phẩm có giá trị cao…/.