Thông tin chi tiết


Quay lại

Tiêu đề Tái cơ cấu lâm nghiệp – Cơ hội cho đầu tư phát triển
Tóm tắt

Có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp và nông thôn, việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đang được các đơn vị, doanh nghiệp và hộ trồng rừng quan tâm.
Theo Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt mới đây, trong cơ cấu loại rừng, rừng phòng hộ sẽ chiếm hơn 5,8 triệu ha trong tổng số hơn 16 triệu ha đất lâm nghiệp đến năm 2020, rừng đặc dụng có diện tích trên 2 triệu ha, được chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị đa dạng sinh học, đảm bảo tiêu chí chất lượng của rừng... Rừng sản xuất chiếm 50% tổng diện tích đất lâm nghiệp nói trên.
Trao đổi về vấn đề tái cơ cấu sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng của ngành, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngành sẽ tập trung phát triển và nâng cao chất lượng rừng sản xuất thông qua nuôi dưỡng làm giàu rừng, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, đưa giống mới vào sản xuất, phát triển trồng rừng gỗ lớn, nhằm nâng cao sản lượng gỗ thương phẩm, phục vụ chế biến, giảm nhập khẩu gỗ. Công nghiệp chế biến gỗ sẽ được tái cơ cấu theo hướng phát triển theo cơ chế thị trường trên cơ sở công nghệ tiên tiến, gắn với việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ, nhất là các sản phẩm xuất khẩu, theo hướng tăng tỷ trọng giá trị lâm sản sử dụng nguồn nguyên liệu được gây trồng trong nước, hạn chế tối đa xuất khẩu sản phẩm thô. Vì vậy, cách tiếp cận sẽ được thay đổi theo hướng tiếp cận tổng hợp theo chuỗi hành trình sản phẩm từ khâu nguyên liệu cho tới khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, trong đó thị trường lâm sản, bao gồm cả thị trường nội địa và xuất khẩu, cùng cơ chế, chính sách giữ vai trò quan trọng trong định hướng cơ cấu cây trồng chủ lực để trồng rừng phục vụ sản xuất hàng hóa lâm sản.
Cùng với hướng tái cơ cấu các loại rừng, cơ cấu sản xuất, chế biến là việc xem xét, điều chỉnh cơ cấu các loại hình tổ chức quản lý rừng theo hướng các tổ chức nhà nước trực tiếp quản lý không quá 50% tổng diện tích rừng toàn quốc, thúc đẩy các loại hình tổ chức quản lý bảo vệ rừng phát triển theo hướng bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế; chuyển đổi công ty lâm nghiệp trên cơ sở cơ cấu lại rừng, các tổ chức quản lý rừng theo các hình thức: cổ phần hóa và Nhà nước giữ cổ phần chi phối; chuyển đổi sang Ban quản lý rừng...; rà soát hệ thống chế biến, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác.
Đề cập vấn đề tái cơ cấu đầu tư cho ngành lâm nghiệp, ông Ngãi cho biết, theo định hướng của ngành, sẽ giảm tỷ trọng đầu tư của Nhà nước. Đầu tư nhà nước chủ yếu dành cho phát triển rừng đặc dụng, một phần rừng phòng hộ và các hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo giống mới, xây dựng quy hoạch, kế hoạch… Nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước sẽ được huy động dành cho đầu tư phát triển rừng sản xuất, lâm sản ngoài gỗ, chế biến và tiêu thụ lâm sản, khai thác các nguồn lợi, dịch vụ từ rừng, đầu tư bảo vệ quản lý rừng phòng hộ... Đây cũng chính là cơ hội cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và hộ gia đình, bởi nhu cầu nguồn vốn này sẽ rất lớn, chỉ tính riêng nhu cầu vốn cho trồng khoảng 3 triệu ha rừng ước tính vào khoảng 40.000 tỷ đồng. Song để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực này cho tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, ông Ngãi cùng các đồng nghiệp cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách là vô cùng quan trọng, trong đó có việc tháo gỡ trở ngại về tín dụng.
“Ngoài ra, cần nghiên cứu để các chủ rừng là hộ gia đình hay cộng đồng cũng được vay nguồn vốn ODA, quan tâm tới chính sách bảo hiểm lâm nghiệp, nghiên cứu chu kỳ và mức lãi suất cho vay phù hợp để phát triển trồng rừng, điều chỉnh lại chính sách hưởng lợi từ rừng, khuyến khích mô hình đầu tư khép kín…”, ông Ngãi nói thêm và cho biết, đây cũng là những công việc ngành đang tập trung thực hiện cùng với các giải pháp đồng bộ khác để thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp nhằm đạt mục tiêu đề ra, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
 

File kèm