Chiều ngày 29/11/2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức “Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn khu vực Đồng bằng sông Hồng năm 2012”.
Diễn đàn là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và các nhà đầu tư giới thiệu và trao đổi các tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương và toàn vùng, thảo luận về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tham dự Diễn đàn có khoảng 400 đại biểu trong nước và nước ngòai đến từ cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế (Mỹ, Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản, Nam Phi,… ) quan tâm đến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của khu vực này.
Vùng ĐBSH có địa hình chủ yếu là đồng bằng, đất đai màu mỡ, có nhiều lợi thế nổi trội về nông nghiệp, diện tích đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản khoảng 1.405,4 ngàn ha, chiếm 5,4% diên tích cả nước. Tuy nhiên, so với cả nước thì giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 18%, giá trị sản phẩm trồng trọt/ha xếp thứ nhất và GTSP thủy sản/ha nuôi thủy sản đứng thứ hai. Vì vậy, phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSH có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám đã nêu rõ, trong nhiều năm qua, vùng ĐBSH đã được tập trung đầu tư khá toàn diện, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và phát triển kinh tế ngày càng được nâng cấp, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và nông thôn cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển. Các công trình đầu tư đã và đang phát huy hiệu quả, tạo nhiều lợi thế cho vùng ĐBSH không chỉ về phát triển sản xuất nông nghiệp truyền thống mà còn là cơ sở để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn, công nghệ cao và chất lượng tốt, đồng thời phục vụ đời sống của dân cư trong vùng. Mục tiêu phát triển giai đoạn 2011 – 2020 là huy động tối đa nguồn lực tổng hợp, phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với bảo vệ môi trường sinh tái và xây dựng nông thôn mới.
Diễn đàn đã giới thiệu tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, thế mạnh, môi trường, định hướng phát triển cũng như các chính sách ưu đãi trong đầu tư của các địa phương, đồng thời giới thiệu 74 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong khu vực, trong đó có 21 dự án về chăn nuôi, 16 dự án lĩnh vực trồng trọt, 9 dự án lĩnh vực nuôi trồng thủy sản,…
Tại đây các doanh nghiệp đã kiến nghị các cơ quan quản lý ở Trung ương và lãnh đạo các địa phương tiếp tục cải cách hành chính, đổi mới cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách đất đai, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn để có thể góp phần tiếp tục phát triển vùng ĐBSH đạt mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020.
Tại Diễn đàn, đại diện các địa phương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã ký kết 02 Biên bản ghi nhớ, thỏa thuận đầu tư và trao giấy chứng nhận đầu tư cho 01 Dự án “Cơ sở sản xuất, chế biến nấm ăn và nấm dược liệu phục vụ xuất khẩu” tại xã Yên Phú, tỉnh Ninh Bình./.