Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Quế là sản phẩm chủ đạo trong chiến lược phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế xã hội nói chung của tỉnh Lào Cai, đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc và phụ nữ vùng cao. Nhằm thúc đẩy ngành hàng quế và chuỗi sản phẩm đặc hữu phát triển bền vững, tỉnh Lào Cai đã phê duyệt: “Quy hoạch vùng trồng cây quế và hệ thống các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2015-2025”. Quy hoạch được triển khai trên địa bàn 50 xã thuộc 04 huyện: Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà và Văn Bàn. Trong đó, Xã Nậm Đét-huyện Bắc Hà là một xã điển hình của việc phát triển cây quế trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Là người con của xã Nậm Đét, Anh Triệu Phúc Lý sinh năm 1984 - người dân tộc Dao tiêu biểu dám nghĩ dám làm, phát huy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của lớp trẻ người Dao đỏ. Năm 2014, mới chưa đầy 30 tuổi, anh Lý thành lập hợp tác xã đầu tiên tại địa phương với cái tên: “Hợp tác xã thu mua, chế biến và xuất khẩu quế Nậm Đét”. Mỗi năm thu mua xuất khẩu gần 200 tấn vỏ quế khô, tinh dầu quế ra thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng và xuất khẩu sang Ấn Độ.
Hiện nay hợp tác xã có tên là HTX Chiến Thắng với 30 thành viên cố định đang làm những công việc: Trồng, chăm sóc và lên tới 70 công nhân khi vào vụ khai thác, chế biến quế. Các sản phẩm sản xuất, xuất khẩu của hợp tác xã là quế ống sáo, quế chặt vuông, quế thuốc lá, quế ống điếu, quế chà vỏ, quế ống đen, quế vụn. Năm 2017, hợp tác xã đã xuất khẩu 435 tấn sp/năm với doanh thu 25,5 tỉ đồng sang thị trường các nước Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu.
Là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bắc Hà, nhưng đời sống kinh tế xã Nậm Đét đang thay đổi từng ngày. Tất cả nhờ vào một loại cây người dân ví von là “cây tiền tỷ”, đó là cây quế. Và một cách làm sáng tạo của anh Triệu Phúc Lý ở xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà đã và đang góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm quế, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho gia đình và người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc và phụ nữ tại địa phương.
Nếu bình thường, mỗi kg quế khô, nông dân chỉ bán được ở mức 30.000-35.000 đồng/kg, thế nhưng qua thao tác sơ chế bào lớp vỏ ngoài, phân loại theo yêu cầu của từng đơn hàng, giá trị vỏ quế khô đã tăng lên đến 60.000 đồng/kg và có loại lên đến 150.000 – 200.000 đồng/kg. Giá trị cây quế được nâng lên nhờ vào cách làm của anh Triệu Phúc Lý. Đặc biệt anh đã đi nhiều nơi học hỏi và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Nhận thấy kết quả của việc sơ chế, phân loại quế, anh đã mở lớp tập huấn về sơ chế quế vỏ cho bà con thôn bản. Anh trực tiếp cầm tay chỉ việc, làm đến đâu chắc đến đó cho bà con. Giá mua sau khi sơ chế thành hàng ống điếu là 70.000 đồng/kg; hàng ống sáo là 80.000 đồng/kg, hàng thuốc lá là 140.000 đồng/kg; hàng chặt vuông 60.000 đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm này đều được HTX Chiến Thắng thu mua và xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ và một số nước châu Âu.
Nậm Đét hiện có khoảng gần 1.800 ha quế và sẽ nâng dần lên đến 2.000 ha vào năm 2025. Gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ - với cách làm hiệu quả của anh Triệu Phúc Lý đang giúp giá trị cây quế được nâng cao, qua đó tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao Nậm Đét.
Nhận thức được nâng cao giá trị sản phẩm quế và mở rộng thị trường sang một số nước lớn cần phát triển sản phẩm quế theo hướng hữu cơ, Anh Lý đã và đang xây dựng hồ sơ 500 ha quế hữu cơ tại thôn Bản Lát, Nậm Đét 1, Nậm Cai, xã Nậm Đét.
Dưới tán quế xanh, Nậm Đét hôm nay đã thay da đổi thịt từng ngày, hệ thống điện, đường, trường trạm được xây dựng đồng bộ, nhiều ngôi nhà kiên cố trên núi cao cho nhà gỗ lợp tranh, hàng chục gia đình có ô-tô tải nhỏ, nhiều con em đồng bào nơi đây đã tốt nghiệp và đang học trường đại học, cao đẳng, cùng với những con người dám nghĩ, dám làm như anh Triệu Phúc Lý, sẽ chính là nguồn lực quý để Nậm Đét đi nhanh hơn, bền vững hơn.