Lươn là loài thủy đặc sản được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng do phẩm chất thịt thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Thế nhưng, do hoạt động đánh bắt, khai thác bừa bãi và không có ý thức bảo vệ, tái tạo nguồn lợi nên nguồn lươn từ tự nhiên bị suy giảm nhanh chóng. Vì thế, trong những năm gần đây nông dân Đồng bằng sông Cửu Long rất chú ý nghề nuôi lươn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng, nếu áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật sẽ thu được năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Riêng ở Vĩnh Long, phong trào nuôi lươn đang dần phát triển trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hiện nay người nuôi đang gặp khó khi muốn mở rộng quy mô sản xuất bởi con giống tự nhiên ngày càng khan hiếm và hiệu quả nuôi thương phẩm không cao, bên cạnh đó con giống được nuôi từ nguồn khai thác bằng hình thức xung điện nên có tỷ lệ sống rất thấp.
Với thực trạng nguồn giống lươn đánh bắt ngoài tự nhiên không đảm bảo đồng cỡ, số lượng và chất lượng, trong khi con giống sinh sản nhân tạo chưa sản xuất thành công, để đáp ứng cho nhu cầu phát triển nuôi đối tượng này Chi cục Thủy sản Vĩnh Long thực hiện dự án “Chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo giai đoạn 2011-2013” với mục tiêu góp phần chủ động cung cấp con giống đồng đều đảm bảo về số lượng và chất lượng cho người dân, mặt khác, nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân, đặc biệt là với những hộ gia đình sản xuất với quy mô nhỏ ở những vùng điểm xây dựng nông thôn mới. Dự án không những tạo điều kiện cho nông dân tham gia xây dựng mô hình sản xuất giống thủy đặc sản có giá trị để phát triển kinh tế gia đình mà còn là tiền đề để lan tỏa, nhân rộng mô hình sang các địa bàn khác trong khu vực.

Mô hình sản xuất lươn giống của ông Nguyễn Minh Đời
Từ năm 2011 - 2013, Chi cục Thủy sản đã chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng mô hình sản xuất giống lươn bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo cho 04 hộ nông dân ở xã Mỹ Thạnh Trung, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình – tỉnh Vĩnh Long với tổng diện tích bể lót bạt 96 m2 (24 m2/mô hình). Trong đó, anh Nguyễn Minh Đời (ấp 8, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) là một trong những gương điển hình sản xuất giỏi và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đầu năm 2013, dự án đầu tư cho anh Đời mô hình sản xuất giống với diện tích là 24 m2 với mật độ thả lươn bố mẹ là 10 – 15 con/m2. Dự án hỗ trợ 100% đàn lươn bố mẹ, 100% chi phí chuyển giao kỹ thuật và chi phí thức ăn. Sau gần 9 tháng sản xuất, anh đã thu được 36.979 con lươn giống với cỡ 3 - 5g/con, đạt 264% chỉ tiêu kế hoạch của dự án. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mô hình của anh đạt lợi nhuận là 40.952.000 đồng/24m2, tỷ suất lợi nhuận đạt trên 120%.
Không dừng lại ở kết quả đó, với bản tính chịu khó và ham học hỏi cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật Chi cục Thủy sản, anh Đời đã nhân rộng thêm quy mô sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo với nhiều cải tiến về kỹ thuật sản xuất như: kỹ thuật xây dựng bể, kỹ thuật thu trứng, ấp trứng, ươn dưỡng con giống và phân cỡ con giống,... Đến tháng 9/2018, anh đã nhân rộng được 38 bể lươn cho sinh sản với diện tích hơn 1.000 m2 (thời điềm ban đầu chỉ có 24 m2 /bể) với năng lực sản xuất hơn 2.000.000 bột lươn/năm. Kết quả sản xuất năm 2018 như sau: tổng thu nhập là 1.620 triệu đồng (từ 1,2 triệu con bột 10 ngày tuổi với giá bán trung bình 750 đồng/con thu 900 triệu đồng + 300.000 con giống (cỡ 1.000 con/kg) với giá bán 2.400 đồng/con thu 720 triệu). Sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư cho 01 vụ sản xuất là 648 triệu (tiền con giống bố mẹ, tiền nhân công, tiền điện, tiền thức ăn cho lươn bố mẹ, tiền thức ăn cho lươn giống) lợi nhuận thu được là 972 triệu đồng.

Nhà ấp lươn bột
Với kết quả trên cho thấy biện pháp kỹ thuật sản xuất giống lươn bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo không phức tạp, mọi nông dân có tâm huyết chí thú lao động được đào tạo lý thuyết và huấn luyện thực hành bài bản đều có thể ứng dụng phù hợp với nhiều điều kiện sản xuất khác nhau, nhất là đối với quy mô nông hộ. Mô hình sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp bán nhân tạo bước đầu đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, sử dụng và khai thác hiệu quả diện tích sẵn có để nâng giá trị đất trên các vùng sản xuất nông nghiệp, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng ổn định và bền vững, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân ở các xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh Vĩnh Long.