Măng tre Bát độ là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế và làm giàu cho người dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên; sản lượng măng vỏ tươi năm 2017 đạt 27.000 tấn, giá trị thu về trên 30 tỷ đồng. Dự kiến vụ măng năm 2018, ước tính sản lượng đạt 30.000 tấn măng, giá trị đạt 33 tỷ đồng. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp, HTX chủ động liên kết với nông dân để cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, qua đó góp phần nâng cao giá trị cây trồng và thu nhập cho người nông dân. Điển hình trong số đó có Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành (gọi tắt HTX Kiên Thành), địa chỉ tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
HTX Kiên Thành tiền thân là tổ hợp tác trồng tre măng Bát độ được thành lập năm 2012, vốn điều lệ 01 tỷ đồng, hoạt động đa ngành; trong đó, tập trung chủ yếu là thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Năm 2015, HTX Kiên Thành tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX, số lượng thành viên tham gia là 25, vốn điều lệ 03 tỷ đồng, diện tích trồng măng tre Bát độ của các thành viên là 500 ha. HTX đã tiêu thụ 100% sản lượng măng tre Bát độ của thành viên, doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với mức lương 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX được tỉnh lựa chọn là một trong những đơn vị cung cấp cây giống tre măng Bát độ phục vụ kế hoạch trồng 2.000 ha tại các huyện trong tỉnh. HTX cũng đầu tư xây dựng xưởng chế biến măng tre Bát độ với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng, giá trị sản phẩm sơ chế tại HTX tăng 34% (từ 3.500 đồng/kg lên 4.700 đồng/kg) so với việc bán sản phẩm theo hình thức truyền thống; sản lượng bình quân trên một diện tích canh tác tăng thêm 20% so với trước đây.
 |
 |
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân
chăm sóc măng tre Bát độ
|
Nông dân xã Kiên Thành thu hoạch măng tre Bát độ
|

Người dân xã Kiên Thành sơ chế măng tre Bát độ
Từ chỗ chỉ trồng ít sử dụng trong gia đình, đến nay, toàn xã đã trồng được trên 1.700 ha tre Bát độ. Mỗi vụ thu hoạch măng đã đem về cho người dân nơi đây nguồn thu không nhỏ, có hộ thu khá đạt 100 triệu đến 200 triệu/vụ, thậm chí có những hộ còn thu 300-400 triệu đồng/vụ.
Từ hiệu quả của mô hình trồng măng tre Bát độ, mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Yên Bái hình thành vùng sản xuất măng tre Bát độ tập trung với quy mô 6.600 ha; tập trung tại các huyện Trấn Yên 3.700 ha, Văn Yên 1.500 ha, Lục Yên 900 ha…hằng năm cung cấp từ 50-60 nghìn tấn măng tươi ra thị trường trong và ngoài nước./.