Toạ đàm “Xã hội hoá trồng rừng – Vì một Việt Nam xanh hơn”
(ngày cập nhật 11/21/2023 9:44:00 AM)
 
Ngày 20/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Toạ đàm “Xã hội hoá trồng rừng – Vì một Việt Nam xanh hơn”.
 

Tại buổi tọa đàm, ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, hiện nay diện tích rừng của Việt Nam là 14,7hecta, nhưng theo như chủ trương của Đảng và Quốc hội và luật Lâm nghiệp đang thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, có nghĩa là không khai thác gỗ từ rừng tự nhiên ít nhất từ nay đến 2030. Đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ chiếm tới khoảng 7 triệu hecta là giữ nguyên để phát huy vai trò bảo tồn sinh học và bảo vệ môi trường. Trong khoảng 8 triệu hecta còn lại thì có khoảng 4 triệu hecta rừng sản xuất và rừng tự nhiên, phần này cũng tạm thời đóng cửa cho phục hồi.

Ông Trần Quang Bảo cũng cho biết, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là thành công lớn của ngành lâm nghiệp, huy động hiệu quả, bền vững các nguồn lực xã hội cho quản lý, bảo vệ rừng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thời gian qua cũng đã huy động hiệu quả, với tổng nguồn thu là trên 23.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2011 – 2022. Các nguồn thu dịch vụ môi trường rừng sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới, trước mắt là dịch vụ carbon rừng, kinh doanh tín chỉ carbon rừng.

Theo ông Trần Quang Bảo, thời gian tới, ngành tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Đề án trồng một tỷ cây xanh. Ngành đẩy mạnh nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng; ứng dụng khoa học công nghệ; cơ giới hóa trồng rừng. Cùng với đó là phát triển vùng rừng trồng nguyên liệu tập trung, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào phát triển rừng.

Theo Ông Trần Nho Đạt, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý rừng Đặc dụng, phòng hộ (Cục Lâm nghiệp), nhờ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là trồng rừng đến nay, Việt Nam đã tự chủ được trên 70% nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất chế biến. Trong giai đoạn 2012-2022, trung bình mỗi năm thu tiền dịch vụ môi trường rừng được 1.300 tỷ đồng. Đặc biệt, rừng Việt Nam có nhiều tiềm năng về giảm phát thải khí nhà kính, riêng tín chỉ carbon rừng ở khu vực Bắc Trung Bộ hiện đã thu được 51,5 triệu USD, Tây Nguyên đang đàm phán về tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, thách thức trong xã hội hóa trồng rừng là: hạn chế về đất đai và cơ sở hạ tầng; cơ chế và chính sách chưa đủ mạnh bởi khó tiếp cận được nguồn vốn vay, chưa có bảo hiểm rừng trồng, mức hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng thấp; rủi ro với chu kỳ kinh doanh dài, thiên tai… hay việc đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng còn hạn chế…

Kết luận buổi tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần có một tư duy mới về rừng trong bối cảnh phải cân đối giữa sứ mệnh giữ rừng và tạo ra giá trị từ rừng. Cụ thể hơn, Bộ trưởng cho rằng, quan điểm thuê người dân giữ rừng cần chuyển đổi sang làm thế nào để tạo ra được nhiều việc làm, nhiều sinh kế dưới tán rừng thì mới bền vững, hiệu quả và đó là lý do vì sao định nghĩa rừng đa dụng ra đời. Rừng không chỉ là giá trị kinh tế, mà còn là ý nghĩa đa giá trị: Bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, hệ sinh thái, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc. Đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản cần chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy hợp tác với bà con, những người trồng rừng, bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Lê Minh
Số lần xem:52

<< Quay lại
Các tin khác
  Hội nghị chuyên đề về phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc: Từ chính sách đến hành động
  Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam
  Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản cả năm 2023 ước đạt 3,5%
  Hội nghị chuyên đề quy hoạch Vùng của hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc
  Họp báo Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023
Tìm kiếm tin cũ
QUY ĐỊNH, HƯỚNG DẪN


SỰ KIỆN

LỊCH LÀM VIỆC

Lượt truy cập: 13742587