Hội nghị về tăng cường hợp tác kỹ thuật, thương mại và đầu tư ngành chăn nuôi bò thịt Việt – Australia
(ngày cập nhật 11/14/2023 4:41:00 PM)
 
Ngày 4/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị về tăng cường hợp tác kỹ thuật, thương mại và đầu tư ngành chăn nuôi bò thịt Việt – Australia. Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ dự án Hợp tác phát triển thương mại và đổi mới trong lĩnh vực thịt bò và gia súc giữa Australia và Việt Nam là dự án do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ trong khuôn khổ Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Australia – Việt Nam (AVEG).
 

Mục tiêu chính của hội nghị nhằm tăng cường đổi mới, hợp tác kỹ thuật, đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Australia, nhằm cải thiện sự phát triển của ngành chăn nuôi bò thịt tại Việt Nam.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, đây là một dấu ấn quan trọng, khép lại 50 năm mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Australia để mở ra cho giai đoạn 50 năm tiếp theo quan hệ sâu hơn và bền vững hơn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Năm 2022, GDP nông lâm thủy sản tăng 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây, trong đó nông nghiệp tăng 2,88%; thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện; trong đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Thị trường xuất khẩu không ngừng mở rộng với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục là 53,53 tỷ USD.

Năm 2022, ngành chăn nuôi Việt Nam đóng góp 25,26% vào GDP của ngành nông nghiệp, giúp người dân gia tăng thu nhập, tạo nhiều việc làm cho người lao động và được xác định là ngành chủ lực, quan trọng. Việt Nam trở thành quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về số lượng đầu con và đứng thứ 6 về sản lượng thịt lợn.

Đối với tiểu ngành chăn nuôi bò thịt Việt Nam, dù đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, hoạt động sản xuất đã phát triển theo hướng trang trại, tập trung, chuyên nghiệp hơn nhưng trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng cả nước mới đạt 373 nghìn tấn. Tính bình quân cả năm, lượng thịt bò mới chỉ đáp ứng được khoảng 45-50% nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn lại phải nhập khẩu.

Ngài Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski cho biết, hội nghị đóng vai trò là nền tảng để xác định cơ hội cho cả hai quốc gia áp dụng và triển khai các công nghệ và thực hành tiên tiến trong ngành bò thịt, đảm bảo ngành này duy trì tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, hội nghị cũng giúp tăng cường hợp tác song phương giữa Australia và Việt Nam trong ngành bò thịt bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác giữa các quan chức Chính phủ, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, thúc đẩy các mối quan hệ cùng có lợi và liên kết sản xuất kinh doanh ngành hàng bò thịt bền vững.

Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi các vấn đề về thực trạng và các ưu tiên ngành chăn nuôi bò thịt, thị trường, tình hình thương mại, con giống và cải tiến di truyền, giải pháp thức ăn chăn nuôi, kết nối thị trường và nâng cao giá trị gia tăng, hiện đại hóa hệ thống giết mổ và chế biến cũng như giảm thiểu phát thải khí nhà kính…

Lê Minh
Số lần xem:46

<< Quay lại
Các tin khác
  Hội nghị chuyên đề về phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc: Từ chính sách đến hành động
  Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam
  Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản cả năm 2023 ước đạt 3,5%
  Hội nghị chuyên đề quy hoạch Vùng của hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc
  Họp báo Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023
Tìm kiếm tin cũ
QUY ĐỊNH, HƯỚNG DẪN


SỰ KIỆN

LỊCH LÀM VIỆC

Lượt truy cập: 13742563