Đề án xây dựng và thực hiện trên quan điểm: Phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng địa phương; phục vụ nhu cầu sử dụng rau ngày càng đa dạng của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Ứng dụng khoa học công nghệ mới trong toàn bộ quá trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm rau chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có khả năng cạnh tranh cao. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ giữa người trồng rau với Hợp tác xã/Tổ hợp tác và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm rau. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất, chế biến. Nhà nước tạo cơ chế, chính sách và đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.
Định hướng đến năm 2030, diện tích rau cả nước đạt khoảng 1,2-1,3 triệu ha, trong đó: Nhóm rau chủ lực chiếm khoảng 40% diện tích, bao gồm rau cải các loại (200-220 ngàn ha); dưa hấu (50-60 ngàn ha); dưa chuột (50-60 ngàn ha); hành, tỏi (55-60 ngàn ha); rau họ đậu (50-55 ngàn ha); ớt cay (40-45 ngàn ha); cà chua (25-30 ngàn ha). Nhóm rau khác chiếm khoảng 60% tổng diện tích gieo trồng, bao gồm rau muống; bầu, bí; khoai tây; cà rốt; rau gia vị; cà các loại; rau bản địa,…
Đối với diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc; đến năm 2030, cả nước đạt khoảng 360-400 nghìn ha; trong đó: (i) Vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 70-78 nghìn ha; tập trung tại Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình,... với các chủng loại: Cải các loại, dưa chuột, cà chua, cà rốt, hành, tỏi, ớt cay... (ii) Vùng Trung du miền núi phía Bắc khoảng 30-35 nghìn ha; tập trung tại Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn,... với các chủng loại: Cải các loại, rau họ đậu, dưa chuột, hành, tỏi, rau bản địa,... (iii) Vùng Bắc Trung Bộ khoảng 20-25 nghìn ha; tập trung tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... với các chủng loại: Cải các loại, rau họ đậu, ớt cay, dưa chuột, dưa hấu, hành, tỏi,... (iv) Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ khoảng 20-25 nghìn ha; tập trung tại Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Ninh Thuận,... với các chủng loại: Dưa hấu, ớt cay, cải các loại, hành, tỏi, măng tây,… (v) Vùng Tây Nguyên khoảng 75-82 nghìn ha; tập trung tại Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk,... với các chủng loại: Cải các loại, cà chua, dưa chuột, các loại ớt, cà rốt, rau bản địa,... (vi) Vùng Đông Nam Bộ khoảng 35-40 nghìn ha; tập trung tại Tây Ninh, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh... với các chủng loại: Cải các loại, rau họ đậu, dưa chuột, dưa hấu, mướp đắng, các loại ớt,… (vii) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 110-115 nghìn ha; tập trung tại Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh,... với các chủng loại: Cải các loại, rau họ đậu, dưa chuột, dưa hấu, hành, ớt cay,...
Đề án chi tiết các giải pháp về tổ chức sản xuất, khoa học công nghệ, thị trường tiêu thụ, quản lý nhà nước, đầu tư tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế để đạt được mục tiêu đề ra.
Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Cục Trồng trọt là đơn vị đầu mối chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án.