Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Vùng trung du và miền núi phía Bắc đã có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước song quy mô còn khiêm tốn (chỉ chiếm khoảng 8 -9% GRDP cả nước), chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách, phát triển vùng ở nhiều lĩnh vực còn thấp hơn mức trung bình cả nước, đây vẫn là “vùng trũng” và là “lõi nghèo” của cả nước; Liên kết, hợp tác giữa các địa phương chưa thực chất, hiệu quả thấp, đặc biệt là phát triển hợp tác với các địa phương ngoài Vùng và với các tỉnh của Lào, Trung Quốc.
Tại hội nghị, các thành viên hội đồng vùng là đại diện các tỉnh đã phát biểu về một số vấn đề tồn tại trong quá trình phát triển, vướng mắc về thể chế, tạo nguồn lực và sử dụng nguồn lực, một số vướng mắc trong chuyển mục đích sử dụng rừng, nhu cầu sớm triển khai bán tín chỉ cacbon rừng.
Trả lời các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực Lâm nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết: Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, trong đó đã đề xuất quy định theo hướng đơn giản thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, làm rõ quy định đảm bảo phù hợp với Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia. Đồng thời trong Nghị định sửa đổi đã có quy định dịch vụ hấp thụ và lưu trữ cacbon rừng đối với những diện tích rừng có đủ điều kiện. Để có thể áp dụng tại từng tỉnh sẽ phải tiến hành đánh giá cụ thể.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, các tỉnh trong vùng phải xây dựng nguyên tắc chung, ứng xử chung cho khu vực để giải quyết các vướng mắc trên cơ sở bảo đảm tính khả thi, xác định nguồn lực, đầu tư có lựa chọn, phù hợp với các dự án trong quy mô liên kết vùng. Xây dựng lộ trình theo thứ tự ưu tiên, với nguyên tắc ưu tiên phát triển giao thông và nghiên cứu chính sách cho người dân sống được nhờ rừng. Đồng thời tính toán đến những tác động không mong muốn của biến đổi khí hậu và quan tâm đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình Mục tiêu quốc gia để tạo nguồn lực phát triển.