Giai đoạn vừa qua, Quy hoạch 257 được xây dựng và phê duyệt trên cơ sở xác định rõ quan điểm, mục tiêu, giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống lũ cho toàn hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, có tính đến tác động của biến đổi khí hậu; bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội và môi trường bền vững; đáp ứng yêu cầu trước mắt, dành điều kiện cho sự phát triển trong tương lai và ứng phó với những bất thường chưa lường hết được; bên cạnh đó đã tạo điều kiện thuận lợi để ổn định đời sống dân cư ngoài bãi sông. Các địa phương cũng đã triển khai chi tiết cụ thể hóa Quy hoạch 257 (8/15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSH đã triển khai lập quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết và được Bộ Nông nghiệp và PTNT thỏa thuận). Tuy nhiên, do có sự thay đổi pháp luật về quy hoạch, đồng thời trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch 257 còn một số vướng mắc; nên để vừa giải quyết kiến nghị của các địa phương, bảo đảm yêu cầu phòng chống lũ, đồng thời tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu xây dựng, trình sửa đổi một số điều của Quy hoạch 257 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 21/4/2023.
Theo đó, Quyết định số 429/QĐ-TTg tập trung chủ yếu vào làm rõ nội dung quy định về quản lý, sử dụng bãi sông. Cụ thể, đối với các khu dân cư hiện có chưa có trong Quy hoạch 257 thì sẽ cho phép địa phương rà soát để đưa vào quy hoạch tỉnh. Trường hợp địa phương nào có nhu cầu tăng diện tích ở một bãi sông nào đó thì đề xuất, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên tổng diện tích bãi sông trên địa bàn toàn tỉnh không quá 5%.
Bên cạnh đó, Quyết định cũng sửa đổi một số nội dung khác, đáng chú ý như:
* Giải pháp phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình:
- Di dời các hộ dân vi phạm pháp luật về đê điều hoặc nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm.
- Từng bước thực hiện di dời các khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn.
- Việc nghiên cứu xây dựng các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng công trình, nhà ở mới chỉ được xem xét đối với một số khu vực mà chiều rộng bãi sông lớn hơn 500 m, vận tốc dòng chảy trên bãi tương ứng với lũ thiết kế nhỏ hơn 0,2 m/s.
- Các khu vực bãi sông còn lại được sử dụng cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, nhưng không được xây dựng công trình, nhà ở trừ công trình quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 26 Luật Đê điều; không được tôn cao bãi sông hiện có;...
* Đối với các dự án sử dụng bãi sông đã trình Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện theo chỉ đạo tại các văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và đảm bảo thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật.