Một số kết quả đạt được
Để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số, thời gian qua, ngành nông nghiệp Nam Định đã nỗ lực xây dựng, tổ chức thực hiện lộ trình chuyển đổi số bằng nhiều hoạt động cụ thể như: Tập huấn cho nông dân kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số trong sản xuất; xây dựng thương hiệu, kỹ năng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số… Đến nay, 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX đã được Tỉnh hỗ trợ xây dựng phần mềm định danh điện tử, 33 cơ sở thiết lập nhật ký điện tử; hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng tem điện tử thông minh (QR code) phục vụ truy xuất nguồn gốc thực phẩm và chống gian lận thương mại cho các sản phẩm nông sản địa phương. Các trang trại, gia trại sử dụng phầm mềm nhật ký điện tử để giám sát quá trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Nam Định đã xây dựng và phát triển khoảng 40 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Một số chuỗi đã xây dựng nên những thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu, như: Gạo sạch Toản Xuân, Nếp Bắc Nghĩa Bình, Ngao sạch Lenger, Muối sạch Nam Định... Toàn tỉnh Nam Định có 329 sản phẩm OCOP, là những sản phẩm có thế mạnh như lúa gạo, thủy sản, rau, củ, quả.
Trên địa bàn Tỉnh đã xây dựng được 485 mô hình cánh đồng lớn, 100 mô hình trồng trọt, chăn nuôi thủy sản, áp dụng quy phạm thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP. Các mô hình sản xuất rau, hoa, cây cảnh trong nhà màng, nhà kính, nhà lưới có ứng dụng công nghệ cao, nhiều trang trại chăn nuôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, như chuồng nuôi tuần hoàn khép kín, lắp đặt máng ăn, uống tự động, có hệ thống điều hòa nhiệt độ làm mát về mùa hè, sưởi ấm về mùa đông, hệ thống camera giám sát quản lý toàn bộ quá trình chăm sóc, cho ăn, phát triển của vật nuôi.
Trong nuôi trồng thủy sản, các hộ nuôi tại các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng áp dụng hệ thống điều hành, giám sát tự động để thực hiện quy trình sản xuất và quản lý ao nuôi. Hệ thống camera cảm biến được lắp đặt để bảo đảm an ninh, theo dõi, giám sát tình hình các ao nuôi; hệ thống thiết bị tự động cho tôm, cá ăn, tạo khí ô-xy, tạo màu, sóng cho ao nuôi. Mọi công đoạn đều được lập trình sẵn cho thiết bị tự động vận hành.
Khó khăn trong quá trình chuyển đổi số
Nguồn nhân lực có kỹ năng về sử dụng, vận hành thiết bị tự động, thiết bị số còn yếu và thiếu. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ công tác chuyển đổi số còn hạn chế, số hóa dữ liệu còn khó khăn, trình độ công nghệ công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp như: Cơ khí, chế biến sâu… chưa tương xứng với công nghệ số…
Chuyển đổi số trong nông nghiệp góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, quản lý sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nhanh nguồn gốc sản phẩm. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, kinh tế số trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tích cực hỗ trợ nông dân thích ứng với chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới thông minh thông qua đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong từng lĩnh vực, từ đó tham gia, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm./.