Chiến lược phát triển KH&CN và ĐMST đã đề ra mục tiêu tổng quát “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và quốc tế, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại. Xây dựng hệ thống các tổ chức KH&CN ngành nông nghiệp đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các luận cứ và sản phẩm khoa học có giá trị cao, tiếp thu chọn lọc và làm chủ các công nghệ tiên tiến của thế giới, chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất; góp phần nâng cao nhanh thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính”.
Các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau: (i) Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức trên 50%; (ii) Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%; (iii) Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ KH&CN có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật..., được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 95%; (iv) Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021-2025 và 35% giai đoạn 2026-2030; (v) Hỗ trợ xây dựng và phát triển được ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước; xây dựng và phát triển 50-100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST chiếm 85%.
Chiến lược đề ra 5 nhóm định hướng và nhiệm vụ, trong đó tập trung đổi mới cơ chế và hình thành các thể chế thúc đẩy KH&CN và ĐMST của ngành và phát triển tiềm lực KH&CN. Một số Chương trình trọng điểm KH&CN và ĐMST ngành nông nghiệp được xác định cụ thể là: Phát triển sản phẩm quốc gia; Phát triển công nghiệp sinh học; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Nghiên cứu phát triển và áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp; Nghiên cứu phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; Nghiên cứu các giải pháp KH&CN phục vụ xây dựng Nông thôn mới.
Năm nhóm giải pháp trọng tâm được đề ra để thực hiện Chiến lược gồm: Giải pháp về truyền thông, đổi mới tư duy; Đổi mới thể chế và chính sách, cải cách hành chính; Đổi mới hệ thống tổ chức KH&CN và ĐMST; Huy động nguồn lực cho phát triển KH&CN; Đào tạo và xây dựng nhân lực KH&CN chất lượng cao; Tăng cường hợp tác quốc tế.
Bộ giao Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Chiến lược và định kỳ hàng năm báo cáo Bộ trưởng; tổ chức sơ kết việc thực hiện Chiến lược trong toàn ngành vào đầu năm 2026 và tổng kết vào đầu năm 2031./.