Năm 2021, cả nước đã chuyển đổi khoảng 119.792 ha diện tích gieo trồng lúa sang
các cây trồng khác, trong đó chuyển sang trồng cây hàng năm khoảng 85.412 ha; chuyển
sang trồng cây lâu năm khoảng 22.112 ha (tương đương gần 44.224 ha diện tích gieo
trồng); chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản khoảng 12.267 ha. Dự kiến
năm 2022, toàn quốc chuyển đổi khoảng 163.366,49 ha.
Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được các địa phương đánh
giá rất tích cực, một số mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm
(rau, hoa, thuốc lào,...), chuyển đổi sang cây lâu năm, cây ăn quả (bưởi, cam, thanh
long...) hay chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa
đem lại hiệu quả kinh tế cao (tôm, cá…):
+ Các mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, gồm có: Mô hình
1 vụ lạc - 2 vụ hành/năm cho thu nhập từ 220 - 250 triệu đồng/ha/năm; mô hình chuyển
đổi từ lúa sang trồng cây sen, cho năng suất bình quân từ (20-22) tạ/ha, tương đương 100-
110 triệu đồng/ha, thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng 3 lúa (tại các tỉnh: Quảng Trị,
Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Hậu Giang); mô hình chuyển đổi từ lúa sang trồng cây
thuốc lào cũng cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng/năm/ha (tại Hải Phòng, Thanh Hóa);
mô hình chuyển đổi từ đất trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây gia vị (mùi tàu),
trồng hoa… cho tổng thu nhập khoảng 360 - 450 triệu đồng/ha/năm, lãi từ mô hình
chuyển đổi khoảng từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm (Nghệ An, Hà Nội …). Ngoài ra với
mô hình chuyển đổi sang trồng cây hàng năm khác như đậu đỗ, lạc, rau màu các loại...
cũng là giải pháp giúp người dân chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa bị thiếu nước
không hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu nhất là các tỉnh miền Trung..., nhằm đa
dạng hóa sản phẩm và thu nhập cho người sản xuất lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế trên
một diện tích đất.
+ Các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm: Mô hình cây
Tràm dược liệu (Long An) cho thu nhập từ 60-90 triệu đồng/ ha, gấp 6-10 lần so với
trồng lúa; mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ổi, trồng cam, chuối, bưởi… (Hải
Dương, Hà Nội…) cho thu nhập từ 300 - 360 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả kinh tế cao
hơn so với trồng lúa từ 80 - 90 triệu/ha/năm; đặc biệt mô hình trồng mô hình trồng bưởi
tại các tỉnh Trung du MNPB (như Phú Thọ, Tuyên Quang) giúp thu nhập người trồng
bưởi không ngừng tăng lên, trung bình đạt 150 đến 200 triệu đồng/năm; mô hình trồng
Sầu riêng, Nhãn, xoài cũng cho người dân có thu nhập cao từ 70 - 350 triệu đồng/năm/ha
tại các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp…
+ Các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng lúa, kết hợp với nuôi trồng
thủy sản, chủ yếu tại các vũng ruộng trũng. Mô hình một vụ lúa – một vụ cá tại một số
tỉnh phía Bắc cho thu nhập bình quân khoảng từ 40-170 triệu đồng/ha/năm (Ninh Bình,
Hà Nam, Hà Nội…); mô hình một lúa + 1 vụ tôm tại vùng ĐBSCL cho người dân tăng
thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm, cao hơn từ 6 - 8 lần so với trồng lúa...
Như vậy, có thể đánh giá việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đã
bước đầu khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, khuyến khách liên kết sản
xuất hàng hóa tập trung, góp phần tích cực trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ
thuật, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhằm giảm công lao động và chi
phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Tuy
nhiên, việc thực hiện vẫn còn những khó khăn bất cập như: Thị trường tiêu thụ và giá cả
các cây trồng chuyển đổi chưa ổn định, khó dự báo; sản xuất còn mang tính chất tự phát
chưa có sự liên kết nên ảnh hưởng nhiều đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm; một số quy định
trong quản lý về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa còn khó khăn; việc thực hiện
chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, nhất là cây ăn quả yêu cầu vẫn giữ
nguyên hiện trạng hạ tầng, các điều kiện để khi cần quay lại sản xuất lúa theo quy định
rất khó thực hiện.../.