Theo đó, mục tiêu cụ thể là cắt giảm 10% hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; xác định sản lượng cho phép khai thác theo loài đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương vào năm 2025. Đến năm 2025, 100% tỉnh, thành phố ven biển xác định hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được cung cấp bản tin dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả.
Chương trình cũng đặt mục tiêu các địa phương xây dựng được ít nhất 03 mô hình, dự án thí điểm thuộc một trong những dự án, mô hình về: Chợ đầu mối, chợ bán đấu giá hải sản gắn với các cảng cá, trung tâm nghề cá của vùng, khu vực; liên kết chuỗi khai thác - thu mua - bảo quản - tiêu thụ hải sản; gắn khai thác, dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại cảng cá, làng chài, làng nghề truyền thống ven biển. 100% sản lượng thủy sản khai thác và nguyên liệu hải sản nhập khẩu được giám sát; 100% tàu cá được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Ngành thủy sản phấn đấu hoàn thiện và cập nhật, khai thác và quản lý hiệu quả Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) trên toàn quốc; xây dựng và triển khai mô hình quản trị sổ hoạt động khai thác thủy sản ở Việt Nam.
Để khai thác hải sản hiệu quả và bền vững, Chương trình đã đưa ra các 6 nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp:
Nhiệm vụ: Tổ chức lại khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững; phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao hiệu quả của các cơ sở hậu cần nghề cá; tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá.
Giải pháp: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; giải pháp về chính sách, cơ chế thực hiện; giải pháp về khoa học - công nghệ và khuyến ngư; giải pháp về huy động vốn, kinh phí; giải pháp về hợp tác và hội nhập quốc tế; giải pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện Chương trình; phối hợp với các bộ, ngành định kỳ, đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình của các địa phương và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Chương trình định kỳ từng giai đoạn, tổng kết Chương trình sau khi kết thúc.
Chi tiết xin truy cập Website của Chính phủ./.