Trong 8 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế, giá cả thị trường thế giới và trong nước có nhiều yếu tố không thuận lợi, nhưng công tác điều hành giá đạt được nhiều kết quả tích cực; CPI tháng 8 tăng nhẹ so với tháng trước, bình quân 8 tháng ước tính tăng khoảng 2,58-2,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, trong những tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều phức tạp, diễn biến khó lường, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ tình trạng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững của kinh tế thế giới. Vì vậy, trong công tác quản lý, điều hành giá phải bám sát tình hình thế giới, không được chủ quan, lơ là, đảm bảo cung cầu trong nước để ổn định kinh tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT: (i) Phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá lương thực, thực phẩm. (ii) Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; khẩn trương tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, đảm bảo tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. (iii) Phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời phân bón ra thị trường và dành tối đa lượng phân bón sản xuất ra để phục vụ nhu cầu trong nước; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ tăng cường sản xuất để thay thế phân bón vô cơ; rà soát, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh nhằm cung ứng ra thị trường với giá hợp lý. (iv) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với thức ăn chăn nuôi.