Hội nghị đánh giá, Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020 đã đạt và vượt mục tiêu đề ra; góp phần tăng năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Giai đoạn 2014-2020, tổng diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê vùng Tây Nguyên đạt 129.008,4 ha; trong đó: Lâm Đồng có diện tích tái canh lớn nhất (27.079 ha), Gia Lai 20.768 ha, Đắk Nông 19.221 ha, Kon Tum 16.780 ha và Đắk Lắk 13.219 ha. Năng suất của các vườn tái canh đạt trung bình 2,6-2,8 tấn/ha. Hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới, cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao, hiệu quả kinh tế tăng lên rất rõ rệt.
Triển khai Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo các địa phương cần có kế hoạch cụ thể về quy mô, địa điểm và lộ trình tái canh; cần xác định rõ biện pháp tái canh cho từng địa bàn cụ thể (trồng mới/ghép cải tạo, lựa chọn giống phù hợp, quy trình kỹ thuật áp dụng…); tiếp tục duy trì và phát huy các cơ sở sản xuất giống sẵn có, quản lý chặt chẽ chất lượng giống, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cơ sở hạ tầng mà dự án VnSAT đã đầu tư xây dựng; tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các quy trình sản xuất cà phê bền vững (tưới nước tiết kiệm, cơ giới hóa, phòng trừ sâu bệnh…) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng cà phê; qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam.