Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2010-2020
Trong thời gian vừa qua, đã có nhiều chính sách được ban hành nhằm xây dựng và phát triển nhân lực cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn như: Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Quyết định số 2534/QĐ-BNN-TCCB, phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2011-2020; Quyết định 1323/QĐ-BNN-TCCB phê duyệt đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2014-2020…
Trong giai đoạn 2011 - 2020, mạng lưới các trường đào tạo ngành nghề nông nghiệp đã được quy hoạch, sắp xếp lại, đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng quy mô và chất lượng đào tạo phục vụ nhu cầu xã hội và phát triển của ngành. Các trường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tuyển sinh và đào tạo 863 nghiên cứu sinh tiến sĩ, 20.374 thạc sĩ, 132.514 cử nhân, kỹ sư, 54.478 sinh viên cao đẳng và hơn 198.006 học sinh trung cấp. Mỗi năm có khoảng gần 1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của ngành từ 28% năm 2009 lên 60% năm 2019, góp phần tích cực vào quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, lao động nông nghiệp Việt Nam nhìn chung có trình độ, kỹ năng thấp, lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Trong số gần 1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, có đến 65% học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề. Lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ thấp, tương ứng với 2.83 % và 4.6%. Lao động nông nghiệp đang phải đối mặt với xu hướng già hóa nhanh. Những hạn chế trên làm cho năng suất lao động trong ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ thấp hơn nhiều các nước trong khu vực mà còn thấp nhất trong các nhóm ngành kinh tế. Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ, trung bình hàng năm, lao động của ngành giảm 1%, tương đương khoảng 500.000 lao động chuyển ra khỏi khu vực nông nghiệp.
Xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho giai đoạn 2021-2025
Sự thay đổi nhanh chóng về khoa học kỹ thuật, biến đổi khí hậu và những đòi hỏi khắt khe hơn trong quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ hội nhập đã tác động mạnh mẽ đến ngành nông nghiệp nước ta. Việc thiếu hụt lao động qua đào tạo, có trình độ sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của ngành. Chất lượng và trình độ lao động thấp sẽ không chỉ ảnh hướng đến năng suất lao động mà lâu dài sẽ tác động tới việc tiếp cận khoa học công nghệ để tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển nền nông nghiệp hiện đại.
Trước những đòi hỏi, thách thức đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức, kĩ năng, phẩm chất đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp; phấn đấu đến năm 2030 đưa nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất trên thế giới./.