Các yếu tố ảnh hưởng đến giá thành sản xuất lúa gồm vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); chi phí làm đất, tưới tiêu, công lao động, thu hoạch, bao bì… Trong đó, chi phí công lao động chiếm tỷ lệ cao nhất 28-30%; chi phí phân bón 21-24%; chi phí thuốc BVTV 15-17%; chi phí thu hoạch, vận chuyển, bao bì 10-12% và giống chiếm 9-10% trong tổng chi phí…
Việc giảm giá thành sản xuất lúa giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập; giúp ngành hàng lúa gạo nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, việc nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất ở từng khâu có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long sử dụng lượng giống gieo sạ trung bình khoảng 180-250 kg/ha. Với giá lúa giống cấp nguyên chủng, xác nhận 1 khoảng 20.000 đồng/kg, chi phí giống/1ha gieo trồng lúa từ 3,6-5,0 triệu đồng. Nếu giảm lượng giống sử dụng xuống 100-120 kg/ha, cùng với việc áp dụng biện pháp kỹ thuật giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận/ha đất gieo trồng lúa sẽ cao hơn khoảng 10%.
Vì vậy, trong thời gian tới, các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục khuyến cáo nông dân mở rộng áp dụng quy trình kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.