Chất lượng lương thực, thực phẩm là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của nhân dân. Để chất lượng hàng hóa là lương thực, thực phẩm được đảm bảo thì một trong những nguyên nhân quan trọng là cần phải quản lý được chất lượng của vật tư, hàng hóa từ giai đoạn “đầu vào” , cả trong quá trình nuôi trồng đến thành phẩm. Hiện nay, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đã có kết quả quan trọng nhất định. Tuy nhiên, để đáp ứng được với thực tế thì cần phải tập trung nguồn lực để có nhiều thay đổi trong thời gian tới.
Bốn nhiệm vụ được xác định trong đề án là:
(1) Củng cố, kiện toàn bộ máy hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản. Ngoài việc rà soát, sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, phải kể đến việc thí điểm thành lập đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thực hiện dịch vụ công về tư vấn, kiểm nghiệm, chứng nhận quá trình và sản phẩm nông lâm thủy sản tại một số địa phương. Thời gian thực hiện từ 2011-2012.
(2) Nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuyên ngành, rà soát hiện trạng, nghiên cứu mô hình kiểm soát chất lượng của các nước tiến tiến và các nước tương đồng, xây dựng hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu quốc gia về chất lượng, an toàn thực phẩm… Thời gian thực hiện từ 2012-2014.
(3) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo phù hợp với sự phát triển của ngành và các cam kết quốc tế. Thời gian thực hiện từ 2011-2012.
(4) Xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống kiểm soát theo hướng tiên tiến, hiện đại phục vụ công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng sự phát triển của ngành và yêu cầu của thị trường quốc tế. Thời gian thực hiện từ 2012-2015.
Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án khoảng 1.500 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách trung ương 40%; ngân sách địa phương 37%; vốn ODA và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân 23%.