Phương án hướng đến các mục tiêu: Quản lý bảo vệ, phát triển bền vững toàn bộ diện tích rừng và đất rừng hiện có, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; bảo vệ và phục hồi các loài đặc hữu và các loài động thực vật nguy cấp, quí hiếm khác; bảo vệ đất chống xói mòn, điều tiết duy trì nguồn nước; giảm số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định sinh kế, nâng cao đời sống người dân địa phương thông qua việc tham gia các hoạt động bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, chia sẻ lợi ích từ việc cung ứng các loại dịch vụ môi trường; nâng cao nhận thức về quản lý rừng; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Tạo ra giá trị kinh tế từ các hoạt động bảo vệ rừng; bảo tồn đa dạng sinh học; cung ứng các loại dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thuê môi trường rừng để trồng dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và các hoạt động khác nhằm tạo nguồn tài chính bền vững cho chủ rừng và cộng đồng dân cư tại chỗ.
Định hướng đến năm 2030 của Khu bảo tồn thiên nhiên Sao la là: Quy mô diện tích 15.486,46 ha; công tác bảo vệ rừng được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; khoán bảo vệ rừng với cộng đồng dân cư địa phương; cắm mốc ranh giới, bảng ranh giới nhằm phân định ranh giới khu bảo tồn và giảm thiểu tình trạng xâm lấn tài nguyên rừng; tổ chức thường xuyên các hoạt động tuần tra kiểm soát rừng, truy quét các điểm nóng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng và đất rừng theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện định hướng trên, phương án tài chính được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đưa ra cho giai đoạn 2021-2030 là 144.901.600.000 đồng. Trong đó, nguồn cung ứng từ dịch vụ môi trường rừng là 66.510.192.000 đồng; nguồn vốn ODA là 2.650.000.000 đồng; nguồn ngân sách Nhà nước là 18.542.392.000 đồng và nguồn vốn khác là 57.199.016.000 đồng.